Ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Phòng Giao dịch đã xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và triển khai nghị quyết của Hội đồng quản trị; các văn bản chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tỉnh về kế hoạch tín dụng được giao; tăng cường tuyên truyền về các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, nhận tiền gửi tại các điểm giao dịch; giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các xã, thị trấn để huy động vốn, giải ngân vốn cho vay; cải cách thủ tục hành chính quy trình cho vay, chất lượng công tác quản lý vốn vay; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV)…
Trong 7 tháng 2021, tổng dư nợ Phòng giao dịch đạt trên 397 tỷ đồng, trong đó, vốn NHCSXH Trung ương trên 333 tỷ đồng; vốn huy động tại địa phương trên 58 tỷ đồng; tiền gửi của tổ chức, cá nhân trên 38 tỷ đồng; tiền gửi thông qua tổ TKVV 20 tỷ đồng; vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh, huyện gần 5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên, Phòng triển khai cho 6.345 hộ vay vốn tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, công trình nước sạch, công trình vệ sinh, làm nhà ở…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, Phòng đã giải ngân cho 2.084 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay trên 76 tỷ đồng.
Từ đồng vốn vay, người dân đã đầu tư xây dựng 1.208 công trình nước sạch, 1.200 công trình vệ sinh, cải tạo trồng mới hàng ngàn héc-ta rừng, mua trên 1.000 con trâu, bò sinh sản, tạo việc làm mới cho gần 1.000 lao động…
"Với thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ lãi tại điểm giao dịch, chúng tôi luôn đảm bảo đủ vốn vay phục vụ nhu cầu của người dân. Do chủ động bám sát tình hình nợ nên tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay chỉ chiếm 0,14%. Phòng luôn tạo được lòng tin của người dân với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Ngân nói.
Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trấn Yên đang thực hiện việc hợp đồng ủy thác với 4 tổ chức chính trị xã hội thông qua 266 tổ TKVV gồm: Hội Nông dân, thông qua 78 tổ TKVV, dư nợ trên 110 tỷ đồng; Hội Phụ nữ, với 80 tổ TKVV, dư nợ trên 114 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh, 65 tổ TKVV, dư nợ trên 95 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên, 43 tổ TKVV, dư nợ trên 75 tỷ đồng.
Để sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, chính quyền các xã, thị trấn cùng các tổ chức đoàn thể còn triển khai các hoạt động như: hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ hộ vay xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh, phương án sử dựng vốn phù hợp với năng lực của hộ vay; sử dụng vốn vay gắn với các phong trào thi đua như: "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, "Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Hội Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”, "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”…
Đánh giá phân xếp loại các tổ TKVV có 249 tổ đạt loại tốt bằng 93,61%; 11 tổ loại khá, đạt 4,14%; 6 tổ trung bình, chiếm 2,25%.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát của các tổ TKVV và hộ vay vốn; nắm chắc danh sách hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác để làm cơ sở xét duyệt vay vốn.
Nâng cao chất lượng điểm giao dịch gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19; đáp ứng đủ vốn cho các chương trình tín dụng một cách hợp lý, nâng mức cho vay phù hợp với nhu cầu người vay và giá cả thị trường; lồng ghép hoạt động tín dụng với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… là những nhiệm vụ trọng tâm của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trấn Yên trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thạch Phong