Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh đến nay đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy các sản phẩm OCOP năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng các sản phẩm OCOP ở 3 huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên.
Các chủ thể nỗ lực
Năm nay là năm thứ hai, Yên Bái phối hợp thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. 32 sản phẩm đã được lựa chọn để khảo sát, trong đó huyện Yên Bình 8, huyện Lục Yên 13, huyện Trấn Yên 11. Toàn bộ sản phẩm được lựa chọn khảo sát đều là sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với các chủ thể để xác định rõ sản phẩm tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP. Theo kết quả khảo sát, huyện Yên Bình có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao; huyện Lục Yên có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao; huyện Trấn Yên có 2 sản phẩm đạt 3 sao; còn lại các sản phẩm đạt từ 1 sao đến 2 sao.
Qua quá trình đánh giá, chấm điểm theo Bộ tiêu chí OCOP cho thấy một điểm chung của các chủ thể là mong muốn xây dựng được sản phẩm tốt để cung cấp cho thị trường. Mỗi chủ thể theo cách riêng đều hết sức cố gắng, chủ động tiếp cận thị trường, đến gần hơn với khách hàng.
Đại diện sản phẩm "Điểm du lịch sinh thái Ruby” ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi đã mời Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các nội dung chương trình để phát sóng quảng bá trên kênh VTV3” và sẽ hoàn thiện các tiêu chí sau đánh giá của chương trình để đạt sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2021. Có những sản phẩm khác cũng đã và đang tiêu thụ trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng như: "Chè Shan tuyết Hương Lý”, "Cá diêu hồng phi lê”, "Cá rô phi phi lê”… dù chưa được công nhận đạt chuẩn OCOP nhưng thể hiện sự nỗ lực của các chủ thể đảm bảo chất lượng tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Những tiêu chí còn thiếu của các sản phẩm do đoàn công tác chỉ ra cũng là cơ sở giúp các chủ thể tiếp tục cố gắng hoàn thiện để đạt chuẩn sản phẩm OCOP.
"Không chỉ đạt chuẩn OCOP, chúng tôi mong muốn sản phẩm đi xa hơn, quảng bá đặc sản địa phương tới mọi nơi” như lời bà Triệu Thị Nhậy - đại diện chủ thể sản phẩm "Thêu truyền thống” ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.
Còn có những "nút thắt”
Tham gia chương trình khảo sát, đánh giá thực trạng sản phẩm tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP, các chủ thể còn gặp một số khó khăn nhất định. Trước hết về vấn đề hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia OCOP chưa được các chủ thể nắm rõ, nắm chắc nên còn lúng túng. Theo quy định, hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP gồm 5 nội dung và sản phẩm OCOP phải đạt được 30 tiêu chí, trong đó có 13 tiêu chí bắt buộc với tất cả các sản phẩm.
Nói như ông Trần Tường - đại diện sản phẩm "Chè xanh Hán Đà”, xã Hán Đà, huyện Yên Bình thì: "Xã viên chúng tôi đều là nông dân nên việc thực hiện các thủ tục giấy tờ không phải là chuyện dễ”. Thực tế mỗi sản phẩm thuộc các nhóm khác nhau lại liên quan đến các điều kiện, thủ tục khác nhau do các cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận. Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Minh Quán, huyện Trấn Yên: "Khó khăn của các chủ thể sản phẩm là chưa nắm được các bước, các thủ tục trong quá trình thực hiện nên rất lúng túng, mất nhiều thời gian”.
Một nội dung khác cũng được nhiều chủ thể sản phẩm quan tâm là thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm. Ví dụ như sản phẩm "Mật ong xã Động Quan”, huyện Lục Yên còn thiếu bao bì sản phẩm và cần có sự hỗ trợ ý tưởng thiết kế bao bì để thu hút khách hàng. Hay đại diện sản phẩm "Chè xanh Hán Đà”, xã Hán Đà, huyện Yên Bình cũng bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ bao bì cho sản phẩm…
Ở góc độ này, ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên nêu quan điểm: "Đối với tất cả sản phẩm OCOP thì mẫu mã, bao bì là một yếu tố rất quan trọng. Mẫu mã, bao bì ấn tượng sẽ góp phần giúp sản phẩm tiếp cận được với thị trường cũng như góp phần cho sự thành công của hoạt động quảng bá sản phẩm”.
Ngoài ra, còn có một số khó khăn khác của các sản phẩm OCOP Yên Bái theo nhận định của bà Hoàng Phương Liên - Trưởng Chương trình Vùng Trấn Yên, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam: "Tên sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, giá sản phẩm, quảng bá sản phẩm cũng là những hạn chế thường gặp của các sản phẩm OCOP Yên Bái”.
Hỗ trợ và chủ động
Nếu nhìn vào việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được chứng nhận sản phẩm OCOP, câu chuyện không phải là quá khó để giải quyết hiệu quả. Về vấn đề này, ông Hà Văn Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã có lời giải đáp: "Đơn vị sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký để được chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể, đội ngũ cán bộ cấp xã”.
Về phía các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sâu sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Thẳng thắn bày tỏ quan điểm với các chủ thể, ông Phạm Thành Đạt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho rằng: "Cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn thì các chủ thể sản phẩm cũng cần phải nêu cao hơn nữa tính chủ động trong việc thực hiện các thủ tục theo quy định”.
Đại diện các chi cục chuyên môn liên quan đến các nội dung, tiêu chí bắt buộc của hồ sơ sản phẩm OCOP cũng khẳng định việc sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể sản phẩm đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cho hay: "Đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực, Chi cục xác định rõ và luôn sẵn sàng hỗ trợ các chủ thể một cách tốt nhất khi chủ thể có yêu cầu”.
Thực tế quá trình triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua, kể cả với những sản phẩm đã đạt chuẩn hay với những sản phẩm đang phấn đấu đạt chuẩn OCOP, sự chủ động của các chủ thể sản phẩm có ý nghĩa quyết định vô cùng quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho rằng: "Các chủ thể cũng phải tự ý thức, học hỏi để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì sự chủ động, quyết tâm xây dựng sản phẩm đạt chất lượng cao đều phụ thuộc vào nỗ lực của các chủ thể”.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương là mục tiêu chung của tỉnh Yên Bái chứ không riêng của cá nhân, đơn vị, tổ chức nào. Mỗi sản phẩm OCOP chứa đựng cả khát vọng đi xa hơn, xa hơn nữa. Khát vọng đó sẽ trở thành hiện thực khi Nhà nước quan tâm hỗ trợ thích đáng, các cơ quan thực thi nhiệm vụ hiệu quả, nhất là cần có sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao nhất của các chủ thể sản phẩm. Nói như ông Nguyễn Kiên Cường - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái là: "Các chủ thể phải tâm huyết với sản phẩm của mình”.
Nguyễn Thơm