Nhiệm vụ đặc biệt của ngành giao thông: Giải ngân 24.000 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2021 | 7:33:59 AM

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Công điện 11/CĐ-BGTVT triển khai Công điện 1082/CĐ-TTg của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, thành lập tổ công tác đặc biệt để đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngành Giao thông, với nhiệm vụ "đặc biệt" phải giải ngân 24.000 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm.

Công trường thi công hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh).
Công trường thi công hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh).

Xử lý nghiêm đơn vị chậm giải ngân 

Tổ công tác đặc biệt đốc thúc tiến độ giải ngân ngành GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1082 ngày 16/8/2021.

"Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài", Công điện của Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẩn trương tham mưu thành lập Tổ công tác đặc biệt; xây dựng đề cương công tác chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và triển khai ngay nhiệm vụ sau khi được thành lập.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Sẵn sàng "3 tại chỗ" 

Qua tìm hiểu, đến tháng 8/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 9.000 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương.

Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm ngành GTVT sẽ phải giải ngân 24.000 tỷ đồng không hề đơn giản. Vì các tỉnh miền Trung, miền Nam sắp bước vào mùa mưa lũ, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá thép và cát sỏi, đất đắp tăng cao đang diễn ra tại nhiều dự án và dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là tại các tỉnh phía Nam, khiến nhiều địa phương phải phong toả. Thực tế này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến oộ giải ngân vốn đầu tư công của ngành, khi các xe ra/vào công trường, dự án đang triển khai bị kiểm soát chặt.

Đơn cử, bất cứ trường hợp công nhân nào trên công trường mắc COVID-19, sẽ khiến hoạt động của gói thầu đó bị ngưng trệ như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa ghi nhận hai cán bộ của gói thầu số 1 dương tính với COVID-19, đã kéo theo hàng loạt cán bộ, công nhân, người lao động dự án thuộc diện F1, F2 phải đi cách ly, còn công trình phải tạm gián đoạn vài ngày để truy vết phòng chống dịch. Ứng phó với thực tế này, Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư dự án) và các nhà thầu đã "bắt tay" thi công và kiểm soát chặt dịch bệnh với phương án "3 tại chỗ” trên công trường...

Về phương án "3 tại chỗ", theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, lãnh đạo các Ban Quản lý dự án, cán bộ, công nhân, kỹ sư, tư vấn, giám sát của các công trình đều "trực chiến" trên công trường để cùng ăn, cùng ở với người lao động; kịp thời đôn đốc tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc và làm các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán kịp thời ngay tại công trường.

"Tổ công tác đặc biệt sẽ tiếp tục đôn đốc '3 tại chỗ' sát sao hơn về tiến độ các dự án, đảm bảo định kỳ hàng ngày, tuần, tháng phải báo cáo kết quả thi công những hạng mục gì, khối lượng ra sao và chưa kịp thì phương án tăng tốc bù tiến độ như thế nào...", ông Nguyên Duy Lâm cho hay.

Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn khác, Bộ GTVT đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố về việc ưu tiên "luồng xanh" cho xe vận chuyển máy móc, vật liệu xây dựng vào công trường để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm quốc gia; đồng thời, ưu tiên nguồn vắc xin cho 100% cho các cán bộ, công nhân viên, nhà thầu, Ban Quản lý dự án giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu trong tháng 8/2021, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư phải giải ngân 3.076 tỷ đồng (theo kế hoạch) và giải ngân bù phần chậm kế hoạch tháng 7 khoảng 980 tỷ đồng. Đồng thời, các tháng còn lại của năm 2021, các đơn vị phải hoàn thành giải ngân gần 24.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch năm. 

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2021 với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch để điều chuyển. Bộ Tài chính bảo đảm nguồn thanh toán, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ. Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(Theo Tin tức)

Các tin khác
Bộ trưởng Công Thương đề nghị Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu nông sản Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ “lấy làm tiếc” khi nhận được thông tin Sở Thương mại Vân Nam thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn từ tháng 7/2021.

Cán bộ Chi cục Thuế Khu vực Nghĩa Văn - Trạm Tấu trao đổi công tác thu ngân sách 5 tháng cuối năm 2021.

6 tháng đầu năm, Chi cục Thuế khu vực Nghĩa Văn - Trạm Tấu đã thực hiện xong 13 cuộc/30 cuộc kiểm tra thuế, kết quả sau kiểm tra xử lý thu 36,2 triệu đồng.

Giá vàng trong nước chờ đợi phản ứng khi thị trường thế giới tăng mạnh. Ảnh minh hoạ

Giá vàng hôm nay: Giá vàng SJC tăng 100 nghìn đồng. Vàng thế giới duy trì ngưỡng cao nhờ thành quả tăng giá mạnh đêm qua.

Xác định sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giúp người dân cải thiện đời sống, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục