Điện lực Yên Bái: Từng bước chuyển đổi số đáp ứng cho phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/8/2021 | 7:34:11 AM

YênBái - Chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển chung của hầu hết các doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, Công ty Điện lực Yên Bái (PCYB) đang tập trung chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Yên Bái khai thác các tiện ích trên phần mềm E-Office 3.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Yên Bái khai thác các tiện ích trên phần mềm E-Office 3.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Cao Bình Định - Giám đốc PCYB cho biết: "Công ty đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2021 và những năm tiếp theo. Mục tiêu hướng tới là một doanh nghiệp số, lấy khách hàng, người sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm; cung cấp các dịch vụ trực tuyến, minh bạch; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để điện tử hóa các quy trình trong nội bộ và các giao dịch với khách hàng; tập trung chuyển đổi các quy trình từ thủ công sang điện tử trong tất cả các lĩnh vực hoạt động trong toàn Công ty”. 

Hiện nay, PCYB đang tập trung triển khai Văn phòng điện tử (E-Office) trong toàn đơn vị, đánh dấu sự chuyển dịch từ mô hình quản trị truyền thống lên mô hình quản trị trực tuyến làm tiền đề cho tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp. E-Office là phần mềm tích hợp đầy đủ các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý, xử lý hồ sơ công việc, trao đổi thông tin, điều hành nội bộ, khởi tạo và quản lý văn bản tài liệu, công văn, báo cáo… nhằm mục đích thay thế và hiện đại hóa các phương thức quản lý thông tin truyền thống. 

PCYB khởi đầu từ E-Office 1.0 với tiện ích chưa nhiều mà chủ yếu theo dõi văn bản được gửi đến, chuyển đi là các file giấy scan, cập nhật sang các phiên bản E-Office 2.0 và 2.3 ứng dụng này vẫn trong quá trình nâng cấp, mở rộng tính năng, tăng trải nghiệm người dùng. Đến nay, PCYB đang sử dụng phiên bản E-Office 3.0, phần mềm được tích hợp khá đầy đủ các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý, xử lý hồ sơ công việc, trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp, khởi tạo, quản lý và lưu trữ văn bản tài liệu... 

Ông Phạm Thành Trung - Trưởng phòng Công nghệ thông tin PCYB chia sẻ: "So với phương thức hoạt động văn phòng truyền thống, E-Office 3.0 mang lại một hệ thống quản lý tập trung có thể dễ dàng quản lý, tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành văn bản điện tử, mở và lưu trữ hồ sơ trên không gian mạng… Qua đó, giúp nâng cao hiệu suất giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian luân chuyển, phát hành và lưu trữ văn bản”.

 Tiện ích E-Office 3.0 còn giúp người quản lý các đơn vị dễ dàng sắp xếp công việc cũng như nhắc nhở, đôn đốc đưa ra ý kiến cho từng nội dung, vì vậy, tiến độ công việc được theo sát, mọi thông tin được truyền tải nhanh chóng, kịp thời. 

Trong 6 tháng đầu năm, PCYB đã đạt được nhiều kết quả căn bản và tự tin sẽ sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số đã đề ra. Lợi thế từ việc nhiều năm chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tạo tiền đề thuận lợi khi PCYB triển khai quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. 

Cụ thể, công tác chuyển đổi số đã được thực hiện từ năm 2020 trong lĩnh vực kinh doanh bán điện như số hóa hợp đồng mua bán điện; trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khách hàng, quản lý chỉ số điện và hóa đơn tiền điện thông qua các phần mềm như: CMIS3.0, CRM... 

Nhờ đó, dữ liệu thông tin khách hàng bắt đầu được quản lý một cách có hệ thống, từng bước làm thay đổi phương thức kinh doanh điện. Điển hình là việc kết nối với các ngân hàng để thiết lập hệ thống thu hộ tiền điện được xem là ứng dụng số hóa đầu tiên, làm thay đổi hình thức giao dịch của khách hàng với ngành điện. 

Khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại tất cả các điểm giao dịch của điện lực và ngân hàng đối tác mà không phụ thuộc vào địa bàn sử dụng điện. Cơ sở dữ liệu về khách hàng đầy đủ và mạng lưới công nghệ thông tin kết nối hoàn chỉnh là lý do PCYB áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng và thực hiện thành công từ năm 2015.

Việc phát hành hóa đơn điện tử không chỉ hiện đại hóa, thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh mà còn góp phần phát triển phương thức thanh toán điện tử và giao dịch điện tử trên nền tảng trực tuyến. PCYB đã thực hiện quản lý hồ sơ, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện của khách hàng qua hình thức điện tử, triển khai giao dịch điện tử cho 11 dịch vụ về điện. 

Đồng thời, Công ty kết nối cung cấp dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng hành chính công tỉnh Yên Bái, tạo nhiều kênh giao dịch trực tuyến như website, ứng dụng trên thiết bị di động, trang EVNNPC trên Zalo. 

Đối với website, ứng dụng chăm sóc khách hàng đều đã kết nối và khai thác hiệu quả dữ liệu từ hệ thống đo xa (cskh.npc.com.vn) từ đây, khách hàng có thể theo dõi lượng điện năng tiêu thụ hàng ngày và tương tác với ngành điện một cách dễ dàng, nhanh chóng. 

Đặc biệt, PCYB không chỉ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp mà còn thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện. Điển hình là đầu tư công nghệ hiện đại để điều khiển từ xa hướng tới vận hành không người trực các trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Gần đây nhất là việc đóng điện và đưa vào vận hành trạm 110kV Văn Yên (E12.21).

Ứng dụng chuyển đổi số giúp PCYB nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc; đồng thời, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bằng sự quyết tâm, tập thể ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên, PCYB đã và đang nỗ lực từng bước chuyển đổi số mạnh mẽ, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm 2021. 

Bùi Minh

Tags Điện lực Yên Bái chuyển đổi số ông Cao Bình Định trao đổi thông tin điều hành tác nghiệp khởi tạo quản lý

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục