Các biện pháp cụ thể được triển khai như: chủ động làm việc với khách hàng để đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch; triển khai thực hiện các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới; miễn giảm phí thanh toán; rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện tại và các khoản cho vay mới...
Ông Phạm Văn Linh - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Chưa khi nào việc vay vốn ngân hàng lại thuận lợi và có lãi suất ưu đãi như hiện nay. Từ đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của Công ty gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã được cán bộ ngân hàng trực tiếp tới khảo sát tình hình kinh doanh, hướng dẫn các thủ tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ trên 500 triệu đồng”.
Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái thì chất lượng tín dụng các chi nhánh ngân hàng và các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được rà soát, đánh giá, phân loại nợ đối với toàn bộ các khoản cấp tín dụng, trên cơ sở đó đã thực hiện hạch toán, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định. Tổng nguồn vốn các chi nhánh ngân hàng, QTDND đến 31/7/2021 đạt 31.935 tỷ đồng, tăng 14,01% so với cùng kỳ.
Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 21.798 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 68,26% trên tổng nguồn vốn. Ước đến 31/8/2021, tổng nguồn vốn các chi nhánh ngân hàng, QTDND đạt 32.250 tỷ đồng, tăng 14,19% so với cùng kỳ.
Việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được quan tâm. Số liệu của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho thấy dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 31/7/2021 là 7.067 tỷ đồng, chiếm 25,42% tổng dư nợ trên toàn tỉnh. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Yên Bái đã tháo gỡ khó khăn cho 7.941 khách hàng.
Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 348 khách hàng với dư nợ là 208 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 135 khách hàng với dư nợ là 250 tỷ đồng; cho vay mới từ ngày 23/1/2020 đến nay là 7.458 khách hàng với 8.218 tỷ đồng.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 32.594 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 14.652 tỷ đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng và khả năng tài chính của từng chi nhánh ngân hàng, QTDND.
Cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền là 603 triệu đồng cho 4 doanh nghiệp.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay các chương trình tín dụng, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/8/2021 ước đạt 10.600 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến 31/8/2021 ước đạt 8.591 tỷ đồng, chiếm 30,92% tổng dư nợ. Dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đến 31/7/2021 đạt 3.565 tỷ đồng.
Kết quả triển khai thực hiện và duy trì 16 chương trình tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo...
Những kết quả mà ngành ngân hàng đã thực hiện thời gian qua vừa đảm bảo an toàn vốn vay, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Dự báo những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp có thể kéo dài sang cả năm 2022.
Do vậy, thời gian tới, để tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, ngành xác định, tiếp tục mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên...; tăng cường kết nối, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, tư vấn hỗ trợ về điều kiện, thủ tục vay vốn, mở rộng cho vay khách hàng mới; tháo gỡ cho khách hàng cũ khi gặp khó khăn...
Với sự vào cuộc chủ động, tích cực và đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành ngân hàng, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp khơi thông dòng vốn tín dụng mà còn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển.
Phạm Quang