Chuyện khó tin đã xảy ra, thay vì các ngân hàng thương mại "độc quyền” áp đặt mức lãi suất cho vay thì nay sẵn sàng đàm phán hạ thấp hơn nữa nếu khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện: doanh nghiệp làm ăn phát triển, tình hình tài chính lành mạnh và có dự án tốt… Những khách hàng VIP như vậy, buộc lòng cán bộ tín dụng phải chăm sóc chu đáo.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mới đây, một doanh nghiệp thương mại trên địa bàn phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã được giải ngân món vay gần 5 tỷ đồng với mức lãi suất 5,7%/năm - mức lãi suất khiến nhiều người bất ngờ vì nó thấp hơn mức lãi suất huy động của một số ngân hàng quy mô nhỏ.
Thị trường tiền tệ ở Yên Bái chưa bao giờ cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đặc biệt khi có sự xuất hiện của Vietcombank và sức nóng sẽ còn tăng lên vì tới đây sẽ có thêm một ngân hàng thương mại nữa khai trương và đi vào hoạt động tại Yên Bái.
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn các ngân hàng tiếp tục giảm, miễn lãi suất. Có thể nói, tâm lý mua được hàng với giá rẻ thì ai cũng muốn, lãi suất ngân hàng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá thành, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 để lại hậu quả hết sức nặng nề cho nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… thì mong muốn được giảm, miễn lãi càng trở nên dễ hiểu. Tuy nhiên, việc đòi hỏi giảm sâu lãi suất và áp dụng ngay tức thì là điều chắc chắn không thể diễn ra.
Câu nói "Ngân hàng cũng là doanh nghiệp” của các chuyên gia kinh tế đã bao hàm tất cả. Nói như vậy là bởi, các ngân hàng thương mại dù sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân đều không tự in được tiền để cho vay; nguồn hàng của họ (tức tiền vốn) có được thông qua các hình thức huy động; trong đó, huy động tiền gửi dân cư là một kênh quan trọng.
Đã có người dân nào gửi tiền tiết kiệm lại tự động đến ngân hàng đề nghị được giảm lãi? Chắc chắn là chưa! Như vậy, giá đầu vào của các ngân hàng không đổi thì việc đòi hỏi đầu ra (tức lãi suất cho vay) thay đổi nhiều, thay đổi tức thì là rất khó. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh mức lãi suất huy động và coi đó là điều kiện tiên quyết để buộc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất huy động cũng cần hết sức thận trọng, vì nếu lãi suất tiền gửi không còn đủ sức hấp dẫn thì không những dòng tiền không chảy vào ngân hàng mà nó sẽ chảy ra các kênh đầu tư khác. Nếu điều đó xảy ra thì tình trạng mất cân đối, không đảm bảo tính thanh khoản… sẽ diễn ra và hậu quả thật khôn lường.
Ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc Chi nhánh BIDV Yên Bái cho biết: "Cân đối lãi suất đầu vào và đầu ra luôn là việc khó. Tuy vậy, lãi suất tiền gửi phải thực dương, tức là cao hơn tỷ lệ lạm phát thì mới đủ sức hấp dẫn người dân gửi tiền”.
Một vấn đề không phải ai cũng biết, đó là, không phải cứ huy động được 100 đồng thì các ngân hàng thương mại được cho vay cả 100 đồng. Thực tế, các ngân hàng thương mại phải tuân thủ quy định nộp từ 20 đến 30% tổng nguồn vốn vào kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0% nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng phải duy trì một khoản tiền khá lớn để đảm bảo khâu thanh toán tiền mặt tại đơn vị mình. Đây cũng là lời giải thích đúng đắn và ngắn gọn cho những ý kiến kiểu như: "Lấy lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động sẽ thấy lợi nhuận của các ngân hàng là không hề nhỏ”.
Gần 2 năm qua các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh lãi suất cho vay (kể cả vay mới và những món vay hiện hữu) và hàng loạt các động thái như: cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng, miễn phí dịch vụ chuyển tiền… Cùng với đó là tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo, đóng góp những khoản tiền lớn vào các loại quỹ, đặc biệt là quỹ phòng, chống dịch Covid-19.
Qua đó, thể hiện trách nhiệm của các ngân hàng thương mại đối với Chính phủ và nền kinh tế để cùng nhau vượt qua đại dịch. Mặt khác, việc các nhà ngân hàng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ; khách hàng có quyền lựa chọn nhà ngân hàng nào có giá vốn thấp, chất lượng phục vụ cao… cũng là chuyện rất bình thường, phù hợp với cơ chế thị trường.
Lê Phiên