Theo số liệu vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, tháng 8, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 21,58 tỷ kWh (trung bình khoảng 696 triệu kWh một ngày), giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, lượng điện đạt hơn 173 tỷ kWh, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, huy động từ nguồn năng lượng tái tạo là 20,31 tỷ kWh, chiếm 11,7% tổng sản lượng điện hệ thống trong 8 tháng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. So với nửa đầu năm, huy động từ điện gió, mặt trời, sinh khối... tăng hơn 5,6 tỷ kWh. Trong 8 tháng đầu năm nay, riêng điện mặt trời được huy động 19,07 tỷ kWh vào hệ thống và gần 1.000 MW điện gió vận hành thương mại (COD).
Lượng điện tuabin khí chiếm 11,4% trong 8 tháng, đạt gần 19,8 tỷ kWh. Các nguồn điện khác như điện nhập khẩu, điện chạy dầu lần lượt là 878 triệu kWh và 2 triệu kWh.
Thuỷ điện góp gần 27% vào tổng sản lượng điện, đạt 46,5 tỷ kWh. Còn nhiệt điện than chiếm hơn 49%, với 85,23 tỷ kWh. EVN cho biết, nửa đầu tháng 9 huy động nhiệt điện than ở mức thấp để khai thác cao thuỷ điện và sẽ tăng khai thác nhiệt điện nhằm tích nước cho các hồ thuỷ điện vào cuối năm.
Theo EVN, tháng 8 phụ tải khu vực miền Bắc tăng cao do xuất hiện các đợt nắng nóng, với công suất đỉnh đạt 21.782 MW (ngày 6/8), tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Ngược lại, khu vực phía Nam tiêu thụ điện lại giảm sâu do nhiều địa phương giãn cách xã hội. Công suất tiêu thụ tại khu vực này giảm 30%, khoảng 4.000-5.000 MW so với trước khi giãn cách xã hội.
Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã duy trì việc chỉ huy điều độ với yêu cầu phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải giữa các vùng, miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết...
8 tháng, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện chiếm gần 50% toàn hệ thống, 85,77 tỷ kWh. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 8 ước đạt 19,2 tỷ kWh, luỹ kế 8 tháng đầu năm nay đạt 151,49 tỷ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện truyền tải tháng 8 đạt 16,90 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Bắc - Trung và Trung - Nam. Lũy kế 8 tháng, sản lượng điện truyền tải đạt 137,72 tỷ kWh, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước.
EVN cũng cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, nên các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn này gặp khó khăn trong thi công các dự án nguồn điện, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, tập kết thiết bị, nhân lực... Vì thế, tiến độ thi công các công trình cả nguồn điện và lưới điện bị ảnh hưởng.
Mặt khác, giá nhiên liệu đầu vào tháng 7 và 20 ngày đầu tháng 8 cao hơn nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện trong nửa đầu năm, nhất là giá than (tăng 52%), dầu HSFO (tăng 23%)... đã khiến chi phí của EVN đội thêm khoảng 16.600 tỷ đồng. Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có nhiều khó khăn.
(Theo VnExpress)