Những bất cập của Luật HTX 2012 qua thực tiễn thi hành
Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013, bước đầu làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị và người dân về vai trò quan trọng của phát triển KTTT, Hợp tác xã (HTX) trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân. Với các khung khổ pháp lý cùng các chính sách mới đã tác động tới KTTT, HTX trên nhiều mặt.
Đặc biệt, Luật HTX 2012 đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của mô hình HTX kiểu cũ, đề ra yêu cầu liên kết tự nguyện của các thành viên theo nhu cầu hợp tác sản xuất, kinh doanh, đồng thời đề cao trách nhiệm cộng đồng của HTX. Triển khai thực hiện Luật HTX 2012 có hai nhiệm vụ được thực hiện song song đó là thành lập các HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 và chuyển đổi các HTX kiểu cũ thành các HTX kiểu mới, kể từ đây KTTT, nòng cốt là các HTX đã có sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong thực tiễn thi hành Luật HTX 2012 đã gặp phải những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cần khắc phục và sửa đổi, bổ sung, để khu vực KTTT thích ứng và phát triển bền vững trong tình hình mới.
Trước hết, công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Luật HTX 2012 ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nơi, nhận thức về vai trò của KTTT còn hạn chế, thậm chí có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp cơ sở còn chưa hiểu rõ về HTX kiểu mới dẫn đến công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện phát triển KTTT, HTX còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Thứ hai: Về khái niệm tổ chức KTTT gồm có: Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) và Liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, tại Luật HTX 2012 thì Tổ hợp tác chưa chịu sự điều chỉnh của Luật, mà hiện nay THT đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày10/10/2019 của Chính Phủ (đây là văn bản dưới Luật nên tính pháp lý không cao).
Thứ ba: Vấn đề quy định số lượng thành viên: Hiện nay Luật HTX 2012 quy định về số thành viên tối thiểu đối với HTX là 07 thành viên, số thành viên tối thiểu đối với THT là 02 thành viên là quá ít so với nhu cầu người dân, cũng như yêu cầu đủ mạnh về vốn, lao động, lợi ích cộng đồng…để có thể đủ sức phát triển.
Thứ tư: Luật HTX 2012 chưa quy định cụ thể mức vốn góp tối thiểu của thành viên, nên trong thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là một bộ phận thành viên chỉ góp vốn mang tính hình thức, thậm chí góp vốn gọi là có để tranh thủ hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.
Cùng với đó, tại Điều 17 quy định góp vốn điều lệ của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX là không phù hợp, bởi số lượng thành viên góp vốn tối đa và tối thiểu để thành lập HTX có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều thành viên có khả năng và nhu cầu góp vốn cao, song do quy định thành viên có nhu cầu góp vốn không quá 20% vốn điều lệ đã gây hạn chế, bất cập trong vấn đề huy động vốn của các thành viên trong các tổ chức KTTT.
Thứ năm: Một bất cập nữa của Luật HTX 2012 trong vấn đề quy định tỷ lệ sử dụng dịch vụ của thành viên, nếu chấm dứt tư cách thành viên khi thành viên không sử dụng dịch vụ của tổ chức KTTT liên tục trong 3 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e, khoản 1, Điều 16. Hay quy định về nguyên tác phân phối thu nhập tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012.
Hay như quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và đã được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ; những vấn đề này rất bất cập, không khả thi, cản trở, kìm hãm sự phát triển của Kinh tế tập thể, HTX, đi ngược với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu: Luật HTX 2012 không quy định HTX hoạt động như doanh nghiệp vậy mà, trong thực tiễn cơ quan thuế vẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với HTX; còn cơ quan Bảo hiểm xã hội thì quy định người làm việc trong HTX phải đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng như doanh nghiệp. Vấn đề này cho thấy nghĩa vụ thì thực hiện như doanh nghiệp, nhưng quyền lợi thì không được như doanh nghiệp, ngay trong kinh doanh HTX bị khống chế tỷ lệ cung ứng dịch vụ sản phẩm ra thị trường thì chẳng khác gì "ngăn sông, cấm chợ” đối với Hợp tác xã...
Sửa đổi Luật HTX 2012 - để tăng "sức đề kháng” cho khu vực KTTT.
Từ những hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc đã nêu, qua thực tiễn phát triển KTTT, HTX tại địa phương, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đề xuất cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật HTX năm 2012 để khu vực KTTT ngày càng phát triển bền vững trong tình hình mới, với những nội dung cụ thể như sau:
Trước hết, Nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu về phát triển KTTT, HTX. Thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó kinh tế tập thể, HTX phát triển và ngược lại.
Hai là, Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về KTTT, HTX, cùng với đó tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội...
Ba là, Đề xuất thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật HTX 2012 sau khi tổng kết các Nghị quyết của Đảng về lãnh đạo phát triển KTTT, HTX. Bởi pháp luật của Nhà nước đều được thể chế hóa, cụ thể hóa từ chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Trước mắt các cấp, các ngành, địa phương cần tổ chức: Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Sau khi Đảng ban hành Nghị quyết mới về lãnh đạo phát triển KTTT trong tình hình mới, để từ đó có cơ sở sửa đổi Luật HTX năm 2012.
Bốn là, Đề xuất sửa đổi tên Luật HTX 2012 thành Luật tổ chức KTTT bởi trong Luật đề cập và điều chỉnh các tổ chức KTTT như HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX chứ không quy định riêng đối với HTX.
Năm là, Cần bổ sung quy định về tổ chức KTTT: Tổ chức KTTT gồm có: Tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX. Tổ chức KTTT chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số tài sản được hình thành từ vốn góp của thành viên. Tổ chức KTTT được thuê và sử dụng người lao động để làm việc trong tổ chức bộ máy điều hành của tổ chức KTTT theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định Tổ hợp tác vào Luật HTX 2012: "Tổ hợp tác là tổ chức KTTT, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 03 thành viên tham gia góp vốn, góp sức, công nghệ… để thành lập THT nhằm cùng nhau hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập, trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý THT” (vì hiện nay Nghị định 77 của Chính Phủ mới quy định THT được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 2 cá nhân...mà không cần xác nhận, chứng thực của bất kỳ cơ quan quan lý nhà nước nào). Đề xuất, mỗi THT có ít nhất 3 thành viên trở lên và cần quy định rõ THT phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước địa phương (cụ thể là cấp huyện).
Cùng với đó, cần quy định rõ: Người đại diện HTX chỉ là Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX.
Sáu là, Đề nghị sửa đổi quy định về số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập THT, HTX, Liên hiệp HTX. Theo đó, số lượng thành viên góp vốn tối thiểu để thành lập Tổ hợp tác từ 03 thành viên trở lên, HTX từ 10 thành viên trở lên,với liên hiệp HTX từ 04 HTX thành viên trở lên; bởi các tổ chức KTTT là kênh rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, huy động vốn góp để gia tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.
Qua thực tiễn công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, THT tại Yên Bái nói riêng và ở các tỉnh Tây Bắc thì người dân có nhu cầu tham gia THT, HTX để cùng chia sẻ lợi ích, học kinh nghiệm làm giàu ngày càng lớn, đồng thời để THT, HTX lớn mạnh cần nhiều thành viên cùng hợp tác để phát triển, đồng thời phù hợp với Chiến lược về phát triển Kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021, do đó tiêu chí thành viên trong tổ chức KTTT cần tham gia đủ lớn về số lượng là vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bảy là, Sửa đổi quy định tỷ lệ vón góp tối đa và vốn góp tối thiểu của mỗi thành viên như sau: Mức vốn góp tối đa của thành viên là không quá 30% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của thành viên là không dưới 5% vốn điều lệ của HTX cho phù hợp và theo kịp với sự phát triển về kinh tế - xã hội của Đất nước và nhu cầu của người dân; đặc biệt sẽ góp phần tăng khả năng huy động nguồn lực nội tại của tổ chức KTTT, mặt khác triệt tiêu được việc tham gia hình thức để hưởng lợi ưu đãi về chính sách của Nhà nước.
Với Liên hiệp HTX mức vốn góp tối đa của HTX thành viên không quá 40% vốn điều lệ và mức vốn góp tối thiểu của HTX thành viên là không dưới 20% vốn điều lệ của Liên hiệp HTX.
Tám là, Bỏ quy định về chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e) khoản 1 Điều 16 của Luật HTX năm 2012.
Lý do là tư cách thành viên đã được xác lập qua việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn, góp sức… khi tham gia HTX, Liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật và điều lệ HTX, Liên hiệp HTX quy định. Mặt khác, quy định này là bất hợp lý, không khả thi, đã tạo ra khó khăn, rào cản cho sự phát triển của HTX, Liên hiệp HTX.
Chín là, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên góp vốn, tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX phát triển, cần sửa đổi quy định về nguyên tắc phân phối thu nhập cho thành viên tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012 theo nguyên tắc: Chủ yếu theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm; theo số vốn góp của thành viên, HTX thành viên (gọi chung là thành viên góp vốn); Phần còn lại được chia theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, HTX thành viên.
Mười là: Cần làm rõ nội dung đăng ký, thông báo hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác. Đặc biệt là không đánh đồng tổ chức Liên minh HTX Việt Nam với các tổ chức Kinh tế hợp tác.
- Cần làm rõ các tổ chức kinh tế tập thể là: Tổ hợp tác, HTX và Liên hiệp HTX;
- Tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho các tổ chức KTTT đó là hệ thống Liên minh HTX Việt Nam gồm: Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX cấp tỉnh.
Để từ đó đưa ra căn cứ phân cấp cơ quan đăng ký, quản lý về tổ chức KTTT và thấy rõ vai trò của hệ thông Liên minh HTX Việt Nam vì: Liên minh HTX Việt Nam là một tổ chức do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Chính vì vậy đề xuất điều chỉnh cơ quan đăng ký, quản lý KTTT như sau:
Cấp huyện: Cấp đăng ký và quản lý đối với Tổ hợp tác và hợp tác xã. Bổ sung quy định rõ, cụ thể: Cấp huyện quyết định phân công 1 chuyên viên tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện công tác chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) trong việc theo dõi, quản lý về lĩnh vực KTTT, đồng thời là cán bộ đại diện của Liên minh HTX cấp tỉnh (được Chủ tịch Liên minh HTX cấp tỉnh căn cứ Quyết định phân công nhiệm vụ của Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện ra Quyết định Công nhận là cán bộ đại diện của Liên minh HTX cấp tỉnh tại địa phương cấp huyện).
Cấp tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư): Cấp đăng ký và quản lý đối với Liên hiệp HTX và Quỹ tín dụng nhân dân.
Cuối cùng, Nên bỏ quy định về tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và việc làm của HTX, Liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ.
Đỗ Nhân Đạo
(Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái)