Năng lượng điện gió được tính toán giảm đi so với dự thảo quy hoạch điện VIII đưa ra trước đây.
Theo đó, một số thông số đưa ra tại bản dự thảo mới nhất này đã có sự thay đổi so với Tờ trình 1682 mà Bộ Công Thương trình Chính phủ hồi tháng 3 năm nay.
Cụ thể, tại phương án phát triển nguồn điện sau khi rà soát, nhiệt điện than dự kiến đến năm 2030 công suất đặt vào khoảng 40.649 MW, tăng hơn 3.070 MW so với tờ trình trước.
Đến giai đoạn năm 2045, nhiệt điện than dự kiến đạt 50.699 MW, trước khi rà soát Bộ Công Thương đưa ra con số là 50.168 MW.
Trong khi đó, năng lượng điện gió chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; riêng điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh.
Riêng điện mặt trời giai đoạn đến năm 2030 thì giữ nguyên với mức 18.640 MW song đến giai đoạn 2045 sẽ giảm từ 55.090 MW xuống còn 51.540 MW.
Chênh lệch công suất các loại điện sau rà soát tại dự thảo mới nhất của quy hoạch điện VIII.
Cũng theo dự thảo, tại phương án phụ tại cơ sở đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ 26,5% xuống còn 23,4% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên tới 31% tổng công suất các nguồn điện.
Tương tự, trong phương án phụ tải cao, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ mức 27,4% xuống còn 24,9% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 26,7% lên tới 28,2% tổng công suất đặt các nguồn điện.
Còn tại phương án phụ tải cơ sở đến năm 2045, tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) sẽ giảm từ mức 41,8% xuống còn khoảng 38% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện khí tăng từ 18,4% lên tới 20,6% tổng công suất đặt các nguồn điện.
Ở phương án phụ tải cao, tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời) sẽ giảm từ mức 43,2% xuống còn 40,2% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện khí tăng từ 18,1% lên tới 21,2% tổng công suất các nguồn điện. Các nguồn điện than sẽ giảm từ mức 17,1% xuống còn 15,4% tổng công suất các nguồn điện.
Báo cáo về hiện trạng nguồn điện theo từng miền, Bộ Công Thương cho biết tại miền Bắc, cơ cấu nguồn điện chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện tương ứng tỷ lệ 46% và 51% năm 2020. Miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước với tốc độ bình quân 9,3%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, tương ứng mức tăng gần 6.000 MW. Trong khi tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600MW, tương ứng mức tăng 4,7%/năm.
Trong khi đó, hệ thống điện miền Trung có tỷ trọng lớn là thủy điện với trên 5.400 MW, chiếm 57% cơ cấu nguồn điện năm 2020, xếp thứ 2 là điện mặt trời, chiếm 33%.
Còn tại miền Nam, trong 34.580 MW tổng công suất lắp đặt năm 2020, điện mặt trời chiếm tỷ trọng cao nhất với 37%, tiếp theo là nhiệt điện than 25% và tuabin khí 22%, nguồn thủy điện 11% và các nguồn khác...
Tốc độ tăng trưởng nguồn điện miền Nam trong giai đoạn 2016-2020 lên tới 21%, trong đó đóng góp lớn nhất là nguồn điện mặt trời với trên 12.600 MW tăng thêm và các nhà máy điện than với trên 5.000 MW tăng thêm.
(Theo Dân Trí)