Ngành nông nghiệp Yên Bái đã từng bước số hóa, thông minh hóa sản xuất nông nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ 4.0 vào các khâu quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp với điều kiện của tỉnh. Người dân địa phương dần thay đổi từ sản xuất thủ công sang phương thức canh tác mới, sử dụng máy móc, công nghệ...
Hiện nay, việc áp dụng CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện là hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) áp dụng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chứng chỉ rừng FSC...; hỗ trợ phần mềm truy xuất nguồn gốc và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ... Cùng với đó, tỉnh đã đưa hàng trăm sản phẩm hàng hóa nông nghiệp lên sàn giao dịch VOSO.vn, POST MART.vn.
Cụ thể, áp dụng CĐS cho trên 60 DN, HTX trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; đến hết năm 2020 cấp được 4.038 ha rừng chứng chỉ FSC; hỗ trợ tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP cho 94 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho 17 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 12 sản phẩm; hỗ trợ Chỉ dẫn địa lý cho 10 sản phẩm... Ngoài ra các DN, HTX đã áp dụng bán các sản phẩm trên mạng xã hội như Zalo, facebook và thanh toán 100% qua thương mại điện tử...
Đây có thể coi là một minh chứng rõ nét của việc áp dụng CĐS trong nông nghiệp Yên Bái thời gian qua. Điều này, không những giúp nông nghiệp Yên Bái thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13% (cao hơn bình quân chung của cả nước trên 2,1%). Cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu.
Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng CĐS nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đây là vấn đề mới, cũng có một số ít HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc; việc ứng dụng CĐS vào khâu chế biến, quản lý HTX, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm. Phần lớn các ứng dụng công nghệ thông tin tại một số DN, HTX hiện nay chưa thể phát huy tác dụng như yêu cầu của CĐS: thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu...
Cùng với đó, trình độ của một số cán bộ quản lý HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc công nghệ thông tin. Một số ít đơn vị đã chú trọng đến việc xây dựng bộ nhận diện số như: chữ ký điện tử để khai báo thuế; website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử... song hầu hết không tự làm chủ những phương tiện này, hoạt động vận hành, khai thác vẫn ít được quan tâm và hầu hết phải thực hiện qua đơn vị thứ ba...
Để áp dụng CĐS hiệu quả phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ. Không thể có DN CĐS nông nghiệp thành công nếu không có nông dân số. Do đó, người nông dân cũng cần áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, các DN trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò đầu tàu, là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với nông dân, thay đổi nhận thức nông dân để cùng liên kết, hỗ trợ nhau. Các sở, ngành, đoàn thể chính trị và người dân phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc CĐS, yêu cầu, mục tiêu và lộ trình CĐS nông nghiệp.
Hồng Duyên