Chỉ tính riêng 2 năm 2019 và 2020, huyện Văn Yên có đến 15 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP và dự kiến đến hết năm 2021, sẽ có thêm 6 đến 8 sản phẩm…
Việc đưa OCOP trở thành mục tiêu hướng đến của các sản phẩm tại địa phương đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Để có được kết quả tốt trong xây dựng sản phẩm OCOP, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo rất sát, triển khai rất kỹ kế hoạch ngay từ đầu các năm, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện. Từ đó, Phòng NN&PTNT huyện đã chủ động tham mưu giúp UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, khoa học.
Hiện, đã có một số sản phẩm OCOP của huyện được đánh giá rất cao trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng như: tinh dầu thực vật Đại Phú An của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An (xã An Thịnh); trà quế của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát; cao cà gai leo của Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Viễn Sơn (xã Viễn Sơn); chuối tiến vua (chuối ngự) của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành (xã Yên Hợp)…
Đại đa số các sản phẩm sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP đều đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường; nhiều sản phẩm đạt chất lượng 3 sao đã xây dựng kế hoạch nâng lên 4 - 5 sao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong và ngoài nước.
Ông Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Yên cho biết: "Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, từ Chi cục PTNT đến huyện, các xã và thị trấn. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP; đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Thuận lợi nhất là, đa số các chủ thể có sản phẩm đều là những người đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất, nhiệt tình tham gia và đã cơ bản nắm được các nội dung cần triển khai thực hiện để tập trung hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ để đánh giá theo quy định”…
Được biết, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện, các phòng, ban, ngành của huyện cũng như UBND các xã, thị trấn đã vào cuộc rất tích cực để thực hiện Chương trình OCOP của huyện.
Theo đánh giá của các cơ quan thẩm định, sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên cơ bản đã bám sát các yêu cầu của Chương trình, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; sản phẩm đặc sắc, chất lượng tốt; các sản phẩm OCOP của huyện đã bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương; các địa phương đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế khu vực nông thôn; Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên: OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, giai đoạn đầu triển khai là rất quan trọng và huyện đã xác định lợi thế, tiềm năng, chủ thể sản xuất, tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có; đồng thời, quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với phát triển các vùng nguyên liệu... với mục tiêu tiếp tục đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện nhằm phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, qua đó cũng góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định; kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển dịch vụ, thương mại của huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước…
Mục tiêu thời gian tới, huyện Văn Yên sẽ chú trọng củng cố các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng và phát triển mới các sản phẩm OCOP để đảm bảo mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên.
Đến hết năm 2025, phấn đấu toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao (dự kiến sản phẩm tinh dầu quế Văn Yên); có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài (tinh dầu quế, quế sáo, trà quế, cao cà gai leo, tinh dầu thực vật Đại Phú An)…
Cùng việc gắn kết và lồng ghép hoạt động phát triển các sản phẩm OCOP với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Yên đang cho thấy bước đi đúng đắn và hiệu quả trong xây dựng thương hiệu bền vững cho sản phẩm, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Thiên Cầm