Sản xuất rau sạch ở vùng cao Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/10/2021 | 7:42:35 AM

YênBái - Vài năm gần đây, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã hình thành các mô hình sản xuất rau được chú trọng đầu tư về quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo hướng sạch, an toàn, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn đến cả các tỉnh, thành phố lớn.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện Mù Cang Chải.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện Mù Cang Chải.

Năm 2020, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học tỉnh, Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện Mù Cang Chải (HTX) đã xây dựng mô hình trồng rau sạch với quy mô 0,7 ha tại bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang; trong đó có 0,2 ha nhà lưới. HTX đã tiến hành phân tích mẫu đất, nước, nguy cơ ô nhiễm, lập đủ hồ sơ theo yêu cầu xin cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn. Trong quá trình từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Theo đó, HTX xác định chỉ sử dụng các giống rau có chất lượng cao, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho các loại rau, kết hợp các dạng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học với thời gian phân hủy nhanh. HTX cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động được bố trí theo 2 phần diện tích để áp dụng 2 biện pháp tưới là tưới phun mưa cho các loại cây ăn lá và tưới nhỏ giọt cho các loại cây ăn củ, quả, đảm bảo vận hành hiệu quả tối đa. 

Ông Nguyễn Văn Túc - đại diện HTX cho biết: "HTX hiện đang sản xuất 9 loại rau, củ, quả phổ thông trên diện tích đất nhà lưới và ngoài trời. Chúng tôi thực hiện canh tác theo hình thức luân canh để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Sản phẩm sạch, được người tiêu dùng phản hồi tốt nên cung không đủ cầu. Hiện, trung bình mỗi vụ, chúng tôi sản xuất từ 10 - 15 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/vụ và đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 2 hộ kinh doanh đầu mối, một số trường học trên địa bàn huyện với quy mô nhỏ cùng một số điểm bán rau trên địa bàn tỉnh”. 

Tương tự, HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải cũng có trên 2 ha sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Theo đó, HTX chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì phun đúng dòng, cách ly đủ ngày. Với cách chăm sóc như vậy, trung bình mỗi năm HTX sản xuất 3 vụ, sản lượng đạt 30 - 40 tấn/năm, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng, cung cấp sản phẩm thường xuyên cho 3 cửa hàng nông sản lớn ở Hà Nội. 

Anh Giàng A Pao ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải là một trong những hộ dân liên kết sản xuất rau sạch với HTX cho biết: "Tham gia vào HTX, chúng tôi được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ và nắm được các kiến thức cơ bản sử dụng an toàn các loại thuốc bảo vệ thực vật, được thu mua sản phẩm với giá tương đối cao và ổn định. Một năm sản xuất 3 vụ, trên 3.000 m2 đất ruộng của gia đình cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Có thu nhập, chúng tôi không những thoát nghèo mà còn đã có điều kiện để mua sắm xe máy, tivi… ”.

Tận dụng lợi thế sẵn có của tự nhiên, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau theo hướng sạch, hữu cơ như: 5 ha trồng rau trái vụ, nhà nuôi trồng nấm ăn và dược liệu của HTX Nấm và Rau sạch ở xã Nậm Khắt, 2 ha của HTX Nông nghiệp sạch T&D, 1 ha của HTX Hội Nông dân...  

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, rau màu là một trong những sản phẩm đang được huyện chú trọng phát triển theo hướng hàng hóa, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, mở rộng diện tích rau theo hướng sạch, an toàn. 

Sản lượng rau trên địa bàn mới chỉ cung cấp được khoảng 50% nhu cầu của người dân trong huyện, 50% còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh khác. Bởi vậy, huyện định hướng phát triển rau phục vụ cho nội tiêu và cung cấp ra thị trường ngoại tỉnh, nhất là phục vụ tại chỗ nguồn rau xanh có chất lượng cao, an toàn cho các học sinh bán trú và khách du lịch đến với huyện Mù Cang Chải. 

Đồng thời, huyện cũng đã tổ chức tập huấn giúp đồng bào nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong việc trồng, chăm sóc, thu hái và biện pháp phòng trừ dịch bệnh một số loại rau khi áp dụng kỹ thuật theo quy trình sản xuất rau an toàn; một số quy định, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc sản xuất rau an toàn.

Hoài Anh

Tags Mù Cang Chải sản xuất rau sạch tiến bộ khoa học kỹ thuật

Các tin khác
Các doanh nghiệp chế biến chè của huyện Văn Chấn thu mua nguyên liệu cho nông dân.

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm đến nay huyện Văn Chấn luôn tích cực, chủ động thu ngân sách (TNS). Tổng TNS Nhà nước đến hết tháng 9 đạt trên 150 tỷ đồng, bằng 67% dự toán.

Anh Hà Đình Khuê, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) giới thiệu cây gáo vàng giống tại vườn ươm.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái ban hành các văn bản triển khai thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Giá xăng vọt lên hơn 22.000 đồng/lít, cao nhất trong 7 năm qua

Từ 15h chiều 11/10, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 967 đồng/lít lên 21.683 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng thêm 934 đồng/lít lên 22.879 đồng/lít.

Một doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động vì có ca nghi nhiễm COVID-19 (ảnh chụp vào chiều 4-7)

Chính sách mà trung ương đề ra có vẻ rất tốt, hài hòa để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhưng khi thực thi ở địa phương thì lại thắt chặt và gây khó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục