Dự án kè chống sạt lở bờ sông Hồng đoạn qua khu vực đền Tuần Quán, thành phố Yên Bái do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với tổng số vốn 140 tỷ đồng, chiều dài kè là 1,5km. Dự án được khởi công từ tháng 1/2021, đến nay đã hoàn thành trên 65% khối lượng công việc. Trong đó, hoàn thành toàn bộ phần móng kè, hai gói thầu chính hoàn thành trên 800 mét phần mái kè.
Các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc thi công đường hành lang kè, rãnh và cống tiêu thoát nước, cầu qua suối Tuần Quán. Chủ đầu tư dự kiến đến tháng 3/2022 sẽ hoàn thành, bàn giao công trình, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng ký kết.
Theo Cục Thống kê Yên Bái, vốn đầu tư công thực hiện trên địa bàn quý III/2021 ước đạt 1.754 tỷ đồng, chiếm 33,45% tổng vốn, tăng 67,98% so với quý trước và tăng 16,93% so với cùng kỳ.
Đây cũng là thời điểm các dự án đầu tư xây dựng được tích cực triển khai do UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, các chủ đầu tư đôn đốc các đơn vị thi công, cập nhật tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo định kỳ…
Qua đó nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đã được chủ đầu tư chủ động phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện; đơn giá vật liệu xây dựng được điều chỉnh và cập nhật thường xuyên. Tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu, trong đó vốn dự phòng ngân sách Trung ương đạt 87,2%; vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương, phần vốn đã có nguồn đạt 59,7%.
Một số địa phương có kết quả giải ngân tốt: Huyện Văn Chấn đạt 74,6%; huyện Yên Bình đạt 74,4%; huyện Văn Yên đạt 69,5%; thành phố Yên Bái đạt 67,6%; huyện Trạm Tấu đạt 64,3%; huyện Lục Yên đạt 63,4%; huyện Trấn Yên đạt 62,5%;...
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nguồn cung ứng một số nguyên vật liệu và một số loại thiết bị nhập khẩu bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án. Đơn giá vật liệu xây dựng những tháng đầu năm 2021 biến động nên nhiều dự án phải điều chỉnh dự toán cho phù hợp với điều kiện thực tế, dẫn đến kéo dài thời gian công tác chuẩn bị đầu tư.
Đối với một số dự án có tính chất đặc thù, mức vốn được giao lớn như các dự án đô thị thông minh nhập khẩu toàn bộ thiết bị từ nước ngoài đều là các thiết bị công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại không phổ biến trên thị trường nên việc thiết kế, lập dự toán, thẩm tra, thẩm định giá mất nhiều thời gian.
Các dự án sử dụng vốn vay ODA, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục cấp, rút vốn nước ngoài. Các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay còn phụ thuộc vào các bộ, ngành trung ương và nhà tài trợ. Năng lực một số ban quản lý dự án còn hạn chế, nhiều chủ đầu tư còn chậm trễ trong giải ngân thanh toán. Nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án.
Việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của một số dự án trọng điểm như đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, đường nối quốc lộ 37, quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, nhiều phát sinh.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái cho biết, từ nay đến hết năm, tỉnh tiếp tục tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai, bảo đảm chất lượng thi công công trình; chủ động, quyết liệt trong công tác giải ngân, thanh toán; ưu tiên giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, các gói thầu có tiến độ thực hiện tốt và các dự án, công trình trọng điểm để đảm bảo tiến độ giải ngân chung theo kế hoạch của tỉnh.
Đối với các dự án chậm tiến độ kiên quyết có giải pháp bổ sung nhà thầu phụ, thay thế nhà thầu hoặc điều chuyển khối lượng cho nhà thầu trong liên danh; lập danh sách các nhà thầu tư vấn, xây lắp... chậm tiến độ để theo dõi, đánh giá việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, không thực hiện tiếp tục giao thầu cho các nhà thầu chậm tiến độ.
Quang Thiều