Thông qua tìm hiểu, học hỏi trên các phương tiện truyền thông, năm 2018, anh Hoàng Văn Thức, thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn đầu tư trên 200 triệu đồng mua máy gặt đập liên hoàn về để vừa phục vụ cho sản xuất của gia đình và làm dịch vụ cho bà con trong xã khi vào mùa vụ để có thêm nguồn thu nhập.
"Với công suất gặt 3 sào chỉ trong 15 phút, tính ra, trong 1 ngày nếu hoạt động hết công suất, máy có thể gặt được vài héc - ta, nhanh hơn rất nhiều so với việc gặt, tuốt lúa thủ công. Bên cạnh đó, nhà tôi còn sử dụng máy cày, bừa thay cho sức kéo của trâu. Từ thay đổi này, năng suất lao động cũng như hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt” - anh Hoàng Văn Thức cho biết thêm.
Theo thống kê, hiện nay, xã Mai Sơn có khoảng 438 máy cày, bừa, 25 máy tuốt lúa và 1 gặt đập liên hoàn cùng hàng trăm máy băm cỏ, xay xát... Ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: "Việc áp dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất giúp tăng năng suất từ 10 - 20% trên 1 đơn vị diện tích canh tác, giảm chi phí từ 1 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với phương thức sản xuất truyền thống. Do đó, ở Mai Sơn cứ 7 - 8 hộ lại chung nhau mua máy cày và gặt về để sử dụng khi mùa vụ”.
Ngoài xã Mai Sơn thì việc áp dụng CGH vào sản xuất nông lâm nghiệp cũng trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện, tiêu biểu như là các xã: Minh Xuân, Liễu Đô, Vĩnh Lạc, thị trấn Yên Thế. Qua rà soát, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 6.400 máy cày, bừa, trên 120 máy tuốt lúa, 10 máy gặt đập liên hoàn và hàng nghìn máy được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp như: máy bơm, cắt cỏ, băm cỏ, máy phun...
Ngoài ra, các hợp tác xã, các hộ còn đầu tư các loại máy sấy sơ chế nông sản, hệ thống quạt thông gió; hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới phun mưa tự động, tưới nhỏ giọt giúp cây sinh trưởng tốt, tăng năng suất. Trong chăn nuôi, việc sử dụng hệ thống máy bơm để vệ sinh chuồng trại, sử dụng các loại máy thái, máy nghiền thức ăn được nhiều hộ sử dụng.
Để nâng cao nhận thức và tạo điều kiện cho người dân đưa CGH vào sản xuất, thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo các xã, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh việc ứng dụng các loại máy móc vào sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện, khuyến khích nông dân vay vốn mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, huyện cũng lồng ghép, triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình hỗ trợ người dân đầu tư, mua sắm các phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa các tuyến đường liên thôn, nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện CGH vào sản xuất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, thông qua Chương trình 135, huyện Lục Yên đã hỗ trợ 311 máy móc, nông cụ cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Theo ông Tăng Kết Dư - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Lục Yên có trên 3.600 ha lúa, 1.951 ha cây ăn quả, 4.456 ha quế. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CGH vào sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải phóng sức lao động, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Hùng Cường