Với mong muốn cung cấp cho người dân những sản phẩm rau sạch, an toàn đến người dân, năm 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Mến, thôn Minh Tân, xã Y Can mạnh dạn đăng ký tham gia Dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Trấn Yên”. Được Dự án hỗ trợ nhà lưới, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động trị giá gần 40 triệu đồng.
Chị Mến cho biết: "Từ khi làm nhà lưới, gia đình tôi trồng các loại rau không bị sâu bệnh lại còn trồng được rau trái vụ nên cho năng suất, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, tôi phối hợp với Hợp tác xã Rau an toàn của xã xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP gồm rau cải mèo Y Can, rau cải canh Y Can và rau cải ngọt Y Can. Do đó, các sản phẩm đều được nhân dân trên địa bàn tin tưởng lựa chọn và ủng hộ”.
Theo tìm hiểu, để xây dựng các vùng trồng rau, quả an toàn, thời gian qua, huyện Trấn Yên đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ để xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, xanh, sạch.
Đến nay, huyện Trấn Yên đã xây dựng được hơn 10 ha rau an toàn nằm ở các xã dọc sông Hồng như: Báo Đáp, Việt Thành, Y Can, Quy Mông. Bên cạnh đó, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất vườn tạp, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô lớn, hướng tới sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi; xây dựng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, hoàn thiện xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm quả có múi.
Ông Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh cho biết: Những năm qua, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả có múi, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đồi dốc kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn quả có múi như: bưởi, cam, quýt với diện tích đạt gần 250 ha, sản lượng cây ăn quả mỗi năm đạt trên 1.200 tấn, giá trị thu hoạch đạt gần 25 tỷ đồng/năm.
"Hiện nay ở Hưng Thịnh đã thành lập được Hợp tác xã cây ăn quả với gần 40 ha cây ăn quả có múi đưa vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có chứng nhận chất lượng sản phẩm và có tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Do đó, các loại sản phẩm cây ăn quả có múi của địa phương đều được người dân trên địa bàn cũng như thị trường tin tưởng lựa chọn sử dụng” - Bí thư Thanh nói.
Với định hướng và những giải pháp cụ thể, hiệu quả, đến nay huyện Trấn Yên đã có một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã tạo thành các chuỗi liên kết trong sản xuất.
Ngoài ra, để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, huyện Trấn Yên đang đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị nông sản địa phương; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, Trấn Yên đã có 16 sản phẩm OCOP, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ sản xuất nông, lâm nghiệp như: quế, chè, cây ăn quả, rau sạch, mật ong…
Các sản phẩm được đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí chất lượng từ 3 đến 4 sao với các điều kiện về chỉ dẫn địa lý, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì nên bước đầu đáp ứng nhu cầu của thị trường về độ an toàn và tin tưởng.
Việc tập trung các giải pháp để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, huyện Trấn Yên không chỉ từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hùng Cường