Việc giá lương thực thế giới vừa cán mức cao kỷ lục trong 10 năm qua không chỉ đẩy nhiều nước nghèo rơi vào khủng hoảng lương thực, mà còn khiến các nước giàu đau đầu. Ðiều này cho thấy an ninh lương thực đang là "nỗi lo không của riêng ai", đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần chung tay giải quyết.
|
Một cánh đồng ngô bị khô hạn ở Honduras.
|
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 4/11 cho biết, tháng 10 là tháng thứ 3 liên tiếp giá lương thực thế giới tăng và lên mức cao nhất trong 10 năm, chủ yếu do giá ngũ cốc và giá dầu thực vật tăng. Giá lương thực tăng cao đã đẩy dân nghèo ở nhiều nước vào tình trạng khủng hoảng lương thực.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Ðiều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths khẳng định, nạn đói là mối đe dọa đang hiện hữu. Cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng phơi bày những điểm yếu trong hệ thống lương thực thế giới, khi đại dịch đe dọa đời sống và kế sinh nhai của người dân. Số người thiếu ăn trên thế giới trong năm 2020 tăng 18% so với năm trước đó, lên khoảng 768 triệu người, trong đó có 418 triệu người ở châu Á. Tại châu Phi, 21% người dân bị thiếu ăn. Riêng cuộc xung đột ở Tigray, Ethiopia gần đây đã đẩy 400.000 người vào tình trạng đói nghèo. Trong khi đó, số người không thể tiếp cận đầy đủ lương thực trong năm ngoái đã tăng 320 triệu người lên 2,37 tỷ người.
Không chỉ các nước nghèo, các nước giàu cũng đau đầu vì an ninh lương thực. Theo tạp chí Financial Times, số người trên khắp khu vực châu Âu và Bắc Mỹ rơi vào tình cảnh đói kém lần đầu tiên gia tăng kể từ khi Liên hợp quốc tiến hành thu thập dữ liệu vào năm 2014. Trong năm 2020, gần 9% người dân tại châu Âu và Bắc Mỹ đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải và nghiêm trọng. Con số này tăng so với mức 7,7% ghi nhận một năm trước đó. Những người rơi vào tình cảnh đói kém ở những nước giàu là những lao động tự do, hoặc lao động theo hợp đồng tạm thời. Ðây là những người thường không được bảo hiểm trong các chương trình trợ cấp thất nghiệp và ốm đau.
Ðể ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hơn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã thành lập lực lượng chuyên trách đối phó với nạn đói nhằm kêu gọi sự quan tâm cũng như huy động sự hỗ trợ của các nước đối với vấn đề này. Liên hợp quốc cảnh báo nếu không có các giải pháp kịp thời, với xu hướng hiện nay, thế giới sẽ bỏ lỡ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là không còn người thiếu ăn vào năm 2030. Do vậy, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh thúc giục các nước hành động khẩn cấp để bảo đảm an ninh lương thực, thông qua tạo kế sinh nhai cho người dân, phát triển nông nghiệp đô thị, thành lập các ngân hàng thực phẩm...
(Theo Nhân Dân)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 5/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021-2023 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.100 cơ sở chăn nuôi hàng hóa được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái. Nhờ đó khuyến khích hoạt động chăn nuôi, tạo sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân mỗi tháng 5 ngàn tấn, nên dự báo lượng thực phẩm chủ động trong tỉnh đủ để phục vụ nhu cầu người dân.
Với định hướng chủ đề “Xoài Đồng Tháp - Khát vọng vươn xa”, Đồng Tháp đầu tư cho Lễ hội xoài thành cơ hội nâng cao giá trị, phát triển và giới thiệu thương hiệu xoài của Đồng Tháp đến thị trường trong nước hướng tới xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Sáng 5/11, cùng xu hướng tăng của với vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng 150 nghìn đồng/lượng.