Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự tính tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước 10 tháng đạt 4.262 tỷ đồng, bằng 75,79% kế hoạch, tăng 9,54% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn địa phương quản lý đạt trên 3.929 tỷ đồng (chiếm 92,19%), bằng 76,62% kế hoạch, tăng 8,47% so với cùng kỳ; vốn trung ương quản lý ước đạt 332,5 tỷ đồng (chiếm 7,81%), bằng 67,14% kế hoạch, tăng 24,12% so với cùng kỳ.
Một số nguồn vốn có tiến độ giải ngân đáp ứng yêu cầu là vốn tập trung ngân sách tỉnh tự cân đối đạt 91,68%, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt 75,63%, vốn tập trung ngân sách huyện tự cân đối đạt 70,61%, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 70,62%, riêng vốn nước ngoài (ODA) mới đạt 18,89%.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái - đơn vị chủ đầu tư Dự án đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, giai đoạn I (từ năm 2018 - 2020), tổng vốn đầu tư 381 tỷ đồng; giai đoạn II sau năm 2020 là 91 tỷ đồng. Công trình xây dựng hệ thống đê, kè dọc sông Hồng kết hợp với đường giao thông khu vực xã Giới Phiên và xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái với tổng chiều dài khoảng 4,25 km.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án kè sông Hồng đoạn qua khu vực đền Tuần Quán.
Hiện nay, Dự án đã hoàn thành bàn giao 9,7/31,25 ha diện tích mặt bằng cho các đơn vị nhà thầu tổ chức thực hiện dự án; công tác giải phóng mặt bằng hiện tại vẫn gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của người dân.
Công tác kiểm đếm khó khăn do mật độ cây cối, hoa màu, vật kiến trúc của các hộ gia đình nhiều so với định mức quy định của Nhà nước. Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn giám sát, mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi do thời tiết mưa nhiều và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, song chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đã tích cực, chủ động các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo yêu cầu chất lượng công trình theo thiết kế đã được phê duyệt. Công tác đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong thi công cũng được quan tâm thực hiện tốt.
Với Dự án cầu Cổ Phúc, tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng phần cầu và đường dẫn cầu là 211 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác, công trình đã khánh thành vào ngày 1/1/2021. Hiện tại, Sở Giao thông - Vận tải đang thực hiện các thủ tục để bổ sung tuyến nhánh rẽ từ Km0+232m đến đường Yên Bái - Khe Sang vào Dự án. Riêng hạng mục bổ sung phát sinh đoạn tuyến nhánh rẽ từ Km0+232m đến đường tỉnh 163, lý trình Km14+900 (khu vực Nhà máy May KNF) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, điện chiếu sáng, đường nước sinh hoạt) đã thi công xong.
Quốc lộ 32C nối với đường tỉnh 174 huyện Trạm Tấu có tổng mức đầu tư trên 438 tỷ đồng, chiều dài tuyến đường trên 39 km được thiết kế theo quy mô đường cấp VI miền núi, hiện nay các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án cải tạo nâng cấp đường Văn Chấn (Yên Bái) - Yên Lập (Phú Thọ) lý trình Km0-Km12+84,07 với gói thầu hơn 36 tỷ đồng đã khởi công xây dựng công trình vào ngày 30/7/2021…
Vốn đầu tư phát triển của Nhà nước tháng 10/2021 trên địa bàn ước đạt 649,7 tỷ đồng, tăng 6,88% so với tháng trước và 9,75% so với cùng kỳ.
+ Vốn do địa phương quản lý đạt 594,7 tỷ đồng (chiếm 91,54% trong tổng số), tăng 7,06% so với tháng trước và 7,47% so với cùng kỳ.
+ Vốn do trung ương quản lý đạt 54,9 tỷ đồng (chiếm 8,46% trong tổng số), tăng 4,96% so với tháng trước và 42,49% so với cùng kỳ. |
Theo ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, kết quả giải ngân đã có nhiều chuyển biến tích cực các nguồn như tiết kiệm chi, sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp giao thông, kiến thiết thị chính, tiết kiệm chi, giao thông miền núi đã cơ bản giải ngân hết kế hoạch.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2021 còn thấp, chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân, tập trung tại một số nguồn như vốn sử dụng đất khối tỉnh; vốn bội chi ngân sách địa phương; vốn từ nguồn thuê đất trả tiền một lần; vốn trung ương bổ sung có mục tiêu, vốn nước ngoài, vốn các dự án đô thị thông minh; các nguồn vốn kéo dài; tỷ lệ giao chi tiết kế hoạch vốn trung ương bổ sung có mục tiêu còn thấp; các thủ tục cấp, rút vốn nước ngoài ODA còn nhiều bất cập, chưa linh hoạt; các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay còn phụ thuộc vào các bộ, ngành trung ương và nhà tài trợ.
Một số dự án được giao vốn lớn, có kết quả giải ngân thấp, tuy nhiên do tính chất đặc thù (các dự án đô thị thông minh) hoặc sử dụng vốn nước ngoài kéo dài từ năm 2019 chuyển sang (Dự án nâng cấp hồ chứa nước xã Suối Giàng) nên không điều chỉnh vốn sang cho các dự án khác…
Để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong hai tháng cuối năm, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phối hợp để giải quyết khó khăn, xử lý dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là tại các khu vực tái định cư để đảm bảo điều kiện thi công xây dựng công trình.
Các đơn vị chủ đầu tư tổ chức lập kế hoạch chi tiết triển khai các công việc của dự án, tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả; yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, thời gian thi công để đẩy nhanh tiến độ đối với các hạng mục còn chậm tiến độ so với kế hoạch; chủ động, khẩn trương trong công tác nghiệm thu, thanh toán vốn.
Quang Thiều