Đi chợ cả tiếng đồng hồ nhưng chiếc làn nhựa của bà Nguyễn Thị Lanh ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái mới "hòm hòm” một nửa, không chất đầy rau, củ, quả như trước. Bà than phiền: "Rau xanh ngoài chợ mỗi ngày một giá, nay đã tăng gấp đôi so với trước đây. Bắp cải từ 20.000 đồng tăng lên 30.000 đồng/kg; cà chua từ 20.000 đồng tăng lên 35.000 đồng/kg tùy loại; súp lơ có giá 50.000 đồng/kg; các loại củ, quả có giá trung bình khoảng 25.000 đồng/kg, trước đây chỉ có 15.000 đồng/kg. Các loại rau gia vị như mùi, thì là, húng, bạc hà… đều khan hàng, giá cao chót vót. Trong đó, rau thì là giá 140.000 đồng/kg; rau mùi 130.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so trước đây”.
Rau, củ tăng giá chóng mặt được lý giải do nhiều nguyên nhân. Chị Trần Thị Toán - chủ sạp hàng bán rau, củ quả tươi tại chợ Nam Cường cho rằng: "Giá rau tăng là do ảnh hưởng của mưa, bão khiến diện tích rau màu ven sông Hồng từ huyện Văn Yên xuống Trấn Yên và thành phố Yên Bái bị ngập do nước sông Hồng lên cao; do khí lạnh đầu mùa; do giá phân bón, vật tư nông nghiệp và chi phí xăng dầu trong khâu sản xuất, vận chuyển đều tăng cao”.
Tại chợ Bến Đò, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, lượng rau xanh cung ứng từ các vùng rau Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ lên không nhiều. Khu vực nông thôn, giá các loại rau xanh rẻ hơn nhưng cũng cao gấp đôi ngày thường...
Rau củ quả tươi tăng giá, giá bán lẻ gas trong nước cũng được các đơn vị cung cấp gas điều chỉnh tăng lên với mức bán từ 480.000 - 520.000 đồng/bình 12 kg tùy từng hãng cung cấp gas - đây là mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay. Như vậy, từ tháng 9 đến nay, mỗi hộ gia đình dùng gas sẽ phải chịu thêm khoảng 60.000 đồng/bình 12 kg (tháng 9 tăng khoảng 40.000 đồng/bình, tháng 10 tăng khoảng 20.000 đồng/bình).
Trước mức tăng giá kỷ lục, chị Phạm Thị Thủy ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cho biết: "Mức tăng khoảng 60.000 đồng/bình từ tháng 9 tới nay khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Có lẽ, gia đình tôi phải cân đối lại chi tiêu vì đợt gas tăng giá này”.
Không chỉ người tiêu dùng gặp khó mà các cơ sở kinh doanh gas cũng khó bảo đảm doanh thu. Anh Nguyễn Văn Hợi - một nhân viên giao gas cho biết: "Thời gian gần đây, lượng khách hàng đổi từ sử dụng bếp gas sang bếp từ, bếp hồng ngoại tăng cao. Không chỉ do điều kiện sinh hoạt của người dân thay đổi mà một phần do sức ép từ việc giá gas tăng liên tục nên bộ phận người dân có thu nhập thấp, không ổn định sẽ tìm cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt bằng cách đun nấu bằng củi, than tổ ong”.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá, các đơn vị kinh doanh gas cho biết: giá giao dịch gas trên thị trường thế giới tăng cao, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ. Là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân, gas tăng giá đến mức "chóng mặt” trong thời gian ngắn càng làm tăng thêm gánh nặng trên vai người tiêu dùng, nhất là những hộ thu nhập thấp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến việc làm và thu nhập như hiện nay.
Số liệu của Cục thống kê tỉnh Yên Bái cho biết, chỉ số giá nhóm lương thực trong tháng 10/2021 tăng 0,92% làm chỉ số giá nhóm chung tăng 0,04% do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm nhu cầu tiêu dùng và dự trữ lương thực của người dân tăng cao, việc vận chuyển hàng hóa giữa các vùng gặp khó khăn giá cước tăng dẫn đến giá đầu vào tăng. Giá rau, quả tươi tăng cao do đầu vụ thu hoạch, lượng cung ít.
Nhóm mặt hàng đồ gia vị như đường, dầu ăn, nước mắm, đồ hộp… và một số đồ dùng gia đình tăng giá do giá cước vận chuyển tăng làm tăng giá đầu vào. Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 25/9/2021 và tiếp tục tăng vào ngày 11/10/2021 làm cho nhóm nhiên liệu tăng 5,28% so với tháng trước, góp phần làm tăng CPI chung của tháng 10/2021 là 0,16%.
Từ đầu tháng 10/2021, các cửa hàng gas điều chỉnh tăng từ 40.000 đồng/bình - 50.000 đồng/bình 12 kg so với tháng trước theo thị trường trong nước và quốc tế, chỉ số giá gas tăng 9,02% góp phần làm chỉ số giá chung tăng 0,09%.
Phạm Quang