Với tinh thần "không để ai ở lại phía sau”, từng bước giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và giàu chính đáng, thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, giúp CCB vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Một trong những mô hình điển hình của Hội CCB là góp vốn xoay vòng. Đây là mô hình phát triển sớm và hàng năm có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Việc xoay vòng vốn chủ yếu bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm (vốn 120) từ Trung ương Hội CCB Việt Nam và quỹ nội bộ của Hội CCB tỉnh. Thông qua việc được vay vốn đã giúp cho các CCB phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, nếu như năm 2016, nguồn vốn vay từ vốn 120 qua kênh Trung ương Hội CCB Việt Nam là 937 triệu đồng, giúp Hội CCB tỉnh thực hiện 23 dự án, giải quyết việc làm cho 73 lao động thì nay nguồn vốn này vẫn giữ nguyên, song đã đầu tư xoay vòng thực hiện được 46 dự án, giải quyết việc làm cho 529 lao động.
Đối với nguồn vốn vay từ vốn 120 qua kênh địa phương, nếu như năm 2016, nguồn vốn vay là 8 tỷ 333 triệu đồng, giúp thực hiện 430 dự án, giải quyết được việc làm cho 1.200 lao động thì nay nguồn vốn vay này giảm còn hơn 4 tỷ đồng, song đã phát triển được hơn 600 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động.
Triển khai thực hiện mô hình "Sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ”, với tinh thần chủ động, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, đến nay, các cấp hội CCB trong tỉnh đã thành lập được 69 doanh nghiệp vừa và nhỏ; 16 hợp tác xã; 251 tổ hợp tác; 82 trang trại; 929 gia trại; 1.972 hộ kinh doanh dịch vụ do các CCB làm chủ; trong đó, có 3 doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm; 10 hợp tác có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm; toàn tỉnh đã thành lập được 3 câu lạc bộ doanh nhân CCB cấp huyện ở các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình và 1 câu lạc bộ doanh nhân CCB cấp tỉnh. Từ các mô hình trên, đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn lao động là CCB, con em CCB, cựu quân nhân và nhân dân địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người từ 4,5 - 9,5 triệu đồng/tháng.
Triển khai mô hình "5+1” (5 hội viên CCB có điều kiện kinh tế giúp 1 hội viên thoát nghèo hoặc 5 hộ giúp 1 hộ CCB nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh), đến nay, các cấp hội CCB tỉnh đã xây dựng được 838 mô hình 5+1.
Thông qua mô hình này, đã góp phần xóa 1.228 nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên CCB và giúp nhiều hộ hội viên thoát nghèo trở thành hộ có thu nhập khá. Toàn tỉnh hiện có 19.814 hộ gia đình CCB khá và giàu, chiếm 56,54%.
Cùng với các mô hình trên, thời gian qua, các cấp hội CCB còn triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng "Quỹ nội bộ Hội giúp nhau phát triển kinh tế không lãi hoặc lãi suất thấp”. Tổng dư nợ của Quỹ hiện nay là trên 18 tỷ đồng và đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, giúp nhiều mô hình phát triển kinh tế của CCB phát huy hiệu quả.
Tiêu biểu như: mô hình nuôi hươu sao của CCB Nguyễn Văn Hường ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên; mô hình doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp của CCB Phạm Thị Vinh ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; sản xuất chè Suối Giàng của CCB Lâm Thị Kim Thoa ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; chăn nuôi gia súc, gia cầm của CCB Lường Văn Lả, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu; chăn nuôi kết hợp trồng rừng kinh tế của CCB Thào Nhà Lềnh, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải...
Nhằm tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên, thời gian tới, các cấp Hội CCB sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, đẩy mạnh liên doanh, liên kết gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước nâng cao thu nhập cho hội viên CCB và người dân; phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể để tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao nhận thức, trình độ về quản lý trong quá trình sản xuất, trong tổ chức kinh doanh dịch vụ cho cán bộ, hội viên; duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả.
Trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại, gia trại; phối hợp liên doanh, liên kết xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm chất lượng và tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực có liên quan đến công tác kinh tế; từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của Hội.
Hồng Oanh