Bà Lò Thị Huyền - công chức Địa chính - Kinh tế xã cho biết: "Bảo vệ tốt đàn trâu, bò của người dân bắt nguồn từ việc xác định rõ đó là một tài sản có giá trị của gia đình. Vì vậy, chuồng trại được làm kiên cố, bà con dự trữ đủ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông ”.
Cùng với chú trọng làm chuồng trại, thức ăn là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho trâu, bò. 197 ha ruộng nước, mỗi năm Thạch Lương gieo cấy hết diện tích ở 2 vụ lúa và trồng 1 vụ ngô đông. Cây lúa đảm bảo an ninh lương thực, còn rơm phơi khô được người dân tích trữ làm thức ăn cho trâu, bò khi mùa đông đến.
146,5 ha ngô gieo trồng vụ đông sẽ góp phần giải quyết thức ăn cho đàn gia súc với phần thân, lá ngô được phơi khô hoặc ủ men ăn dần. Cỏ voi chiếm diện tích 3 ha, trong đó trồng chủ yếu ở những hộ nuôi 3 - 4 con trâu, bò trở lên.
Tính đến tháng 10 năm nay, xã Thạch Lương có 1.135 con trâu, 415 con bò. Địa phương đã hoàn thành tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng đợt 1 và 2 đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn gia súc. Năm 2021, xã ghi nhận lần đầu tiên xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên 12 con bò ở 11 hộ chăn nuôi trong tháng 7, tháng 8. Số bò chết và phải tiêu hủy do bệnh viêm da nổi cục là 2 con, xã đã hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ hộ nuôi.
Cũng ngay trong tháng 8/2021, xã triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho 692/1.550 con trâu và bò, số còn lại không tiêm do đang chửa. Thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch nên đến thời điểm 31/8/2021, dịch bệnh đã được khống chế.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về tăng cường phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi được duy trì thường xuyên. UBND xã đều có thông báo gửi các trưởng thôn trước mỗi đợt rét về để nhanh chóng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Bà Hà Thị Đức - Trưởng thôn Nậm Tọ cho biết: "Trước mỗi đợt rét về, ngay sau khi nhận được thông báo của xã là thôn tiến hành thông báo ngay đến bà con. Việc tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, đoàn thể để tất cả người dân đều biết và chủ động thực hiện”.
Thôn Nậm Tọ có 144 con trâu, bò và đều nuôi nhốt nên thuận lợi cho việc phòng, chống đói rét trong mùa đông. Bà Hà Thị Yến ở thôn Nậm Tọ luôn chủ động bảo vệ đàn gia súc của gia đình như tiêm vắc-xin, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ trong mùa đông, che chắn chuồng nuôi: "Dù không nuôi nhiều nhưng đã nuôi là mình phải chăm sóc, bảo vệ tốt cho trâu, bò của mình. Có như vậy thì lúc cần mới có được món tiền chứ nếu không thì không có đâu”.
Gia đình bà Nồng Thị Nối ở thôn Nà Đường nuôi 10 con trâu, bò nên việc dự trữ thức ăn luôn được gia đình chủ động làm tốt. Rơm phơi khô, thân cây ngô phơi khô, trồng cỏ voi với diện tích tới 1 ha đã cơ bản giúp gia đình bà đảm bảo thức ăn dự trữ trong mùa đông cho đàn trâu, bò. Việc bảo vệ đàn gia súc của các hộ chăn nuôi đã trở thành nề nếp nhưng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức vẫn là điều hết sức cần thiết.
Không chủ quan, lơ là trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa đông cũng như chủ động bảo vệ sức khỏe cho đàn trâu, bò sẽ giúp nâng cao sức chống chịu với các loại dịch bệnh. Chủ động, tích cực bảo vệ đàn gia súc, nhất là phòng, chống đói rét trong mùa đông đã đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy chăn nuôi phát triển ở xã Thạch Lương.
Nguyễn Thơm