Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái lên 18,06 tỷ USD (chiếm 4,9% GDP).
Với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới.
Không chỉ tại Việt Nam, lượng kiều hối ghi nhận về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng tăng hơn 7%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay. Lượng kiều hối tăng bất chấp đại dịch được ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về an sinh xã hội và việc làm lý giải, do người di cư quyết tâm giúp đỡ gia đình và sự phục hồi kinh tế ở châu Âu, Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.
Tại Việt Nam, TP HCM là một trong những địa phương có lượng kiều hối cao nhất, chiếm khoảng 30%, sau đó là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây.
Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Tại Agribank, một trong các đơn vị chi trả kiều hối lớn nhất, dự kiến lượng kiều hối cả năm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm ngoái.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank cho biết, tính đến cuối tháng 11, lượng kiều hối Agribank chi trả đã đạt 1,1 tỷ USD. Việc mở rộng hợp tác với hai đơn vị chuyển tiền 24/7 tại Nhật Bản cũng góp phần vào tăng trưởng kiều hối chi trả qua hệ thống Agribank.
4 thị trường chiếm thị phần kiều hối lớn nhất tại nhà băng này là Nhật Bản (14%), Mỹ (12%), Đài Loan (4,5%) và Hàn Quốc 3%, còn lại chia đều cho các thị trường khác. Ông Hùng cho biết, kiều hối chi trả qua Agribank chủ yếu đến từ công nhân xuất khẩu lao động với giá trị mỗi giao dịch từ vài trăm USD đến nghìn USD.
Còn ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương - Vietcombank nhận định, cũng như mọi năm, lượng kiều hối chuyển về được ghi nhận nhiều nhất là ở khu vực Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), châu Á, châu Úc và châu Âu. Thị trường Mỹ - nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc - chiếm tới 50% tổng lượng kiều hối về Việt Nam, góp phần lớn trong việc giữ Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới.
Vietcombank cũng ghi nhận một lượng kiều hối lớn từ các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Đây là những nơi có lượng người Việt sang lao động và học tập đông đảo, do đó, nhu cầu gửi tiền về để trả nợ vay ngân hàng cũng như hỗ trợ cuộc sống người thân ở Việt Nam khá lớn.
Ở châu Âu và châu Úc, các chính sách của các quốc gia về hoạt động kiều hối vẫn chưa có sự cải thiện nhiều nên dòng tiền kiều hối từ khu vực này về Việt Nam chưa có sự tăng trưởng vượt bậc trong các năm vừa qua, ông Tuấn chia sẻ.
Năm ngoái, người Việt ở nước ngoài gửi về nước 17,2 tỷ USD, tăng nhẹ gần 3% so với năm 2019.
(Theo VnExpress)