Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án của Tỉnh ủy; cho chủ trương để HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện CVĐ gắn với thực hiện Nghị quyết liên tịch số 88 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giảm nghèo bền vững, XDNTM, đô thị văn minh.
Cùng với đó, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với tình hình thực tiễn; ban hành triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM và các chương trình về an sinh xã hội, làm nhà cho hộ nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đồng chí Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh cho biết: Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện CVĐ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, các sở, ban, ngành triển khai thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là trong thực hiện các chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm và đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn; tham gia các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng gia đình, tổ dân phố văn hóa…. Cùng với đó, cán bộ mặt trận các cấp đã kịp thời nắm bắt các ý kiến, sáng kiến của người dân trong thực hiện Chỉ thị số 17 để triển khai thực hiện phù hợp.
Để CVĐ đạt hiệu quả thiết thực, xác định giảm nghèo làm nội dung trọng tâm của CVĐ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm hỗ trợ các nguồn lực, hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.
Theo đó, trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 15.000 hộ nghèo được hỗ trợ cây, con giống và tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Quỹ "Vì người nghèo” các cấp đã huy động được trên 150 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống.
Thông qua các chương trình an sinh xã hội, trên 70.000 suất quà đã được trao tặng các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 32,21% năm 2016 xuống còn 7,04% năm 2020 (đứng thứ 12 toàn quốc); tỷ lệ hộ nghèo ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm.
Đặc biệt, thông qua thực hiện toàn diện các nội dung của CVĐ cũng đã góp phần thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí NTM như: vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia hiến đất, hiến công làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa, các khu vui chơi, giải trí; tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng ở các địa phương như: sản xuất lúa chất lượng cao, thành lập tổ hợp tác phát triển kinh tế, mô hình hợp tác xã, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mở rộng thâm canh, tăng chất lượng nuôi trồng thủy sản theo công nghệ mới...
Phát huy tinh thần đoàn kết, 5 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến gần 100 ha đất, phá bỏ hàng chục ngàn cây cối, hoa màu các loại với nhiều công trình, vật kiến trúc; đóng góp trên 700.000 ngày công lao động để làm trên 100 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, kiên cố mở trên 1.000 km đường giao thông nông thôn. Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tích cực vệ sinh đường làng ngõ xóm "sáng, xanh, sạch, đẹp”, thu gom, tập kết rác thải đúng nơi quy định.
Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 tổ tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư, 254 mô hình xử lý rác thải tại cộng đồng, trên 100.000 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 89%, có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 59%. Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, 100% thôn, tổ dân phố đã xây dựng được quy ước, hương ước và vận động nhân dân thực hiện tốt Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; 90% các hộ gia đình, thôn, tổ dân phố đăng ký thực hiện các tiêu chí đảm bảo an ninh trật tự...
Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào "Yên Bái chung sức XDNTM” và nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM, đô thị văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 87/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 14/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Yên Bái trở thành điểm sáng trong vùng Tây Bắc về XDNTM.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả CVĐ, thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội về lĩnh vực XDNTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; huy động mạnh mẽ nguồn lực phát triển NTM, đô thị văn minh theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao đời sống người dân phù hợp với giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh cả nước đang gia sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM theo hướng toàn diện, đồng bộ, vững chắc; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, bản sắc thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn phát triển đô thị với XDNTM. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 46 xã đạt chuẩn NTM, huyện Yên Bình, Văn Yên đạt tiêu chí huyện NTM.
Hồng Oanh