Nếu trước đây, thời gian mua sắm tết của người tiêu dùng trước đấy cả tháng thì nay chỉ dồn vào khoảng 1 tuần giáp tết. Vì vậy, việc dự báo trong mùa tết 2022 càng trở nên quan trọng hơn và không chỉ dự báo nhu cầu tiêu dùng mà quan trọng nhất là "điểm rơi” - thời điểm người dân mua sắm hàng tết.
Ngoài ra, người tiêu dùng hiện nay cũng thay đổi thói quen không dự trữ hàng tết như trước, nên DN cung ứng cần phải cân nhắc kỹ trong việc dự trữ hàng hóa. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, việc "sống chung với Covid -19” như hiện nay, dự báo cho nhu cầu tiêu dùng tết cũng rất khó. Do đó, nếu khả năng dự báo không tốt thì phương án linh động được xem là cực kỳ quan trọng đối với DN.
"Việc linh động và chuẩn bị nhiều tình huống, nhất là các tình huống khi dịch bệnh diễn biến khó lường thì phải bám sát thị trường để tình huống nào mình cũng theo được. Hiện tại, chúng tôi dự trữ lượng hàng phục vụ tết khoảng 20 tỷ đồng, giá năm nay tăng 5 - 10% tùy mặt hàng” - ông Tuấn cho biết thêm.
Do tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa, cho nên Siêu thị Vinmart Yên Bái đã chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm với tổng giá trị hàng hóa 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với chuyển biến của dịch bệnh nhằm bảo đảm số lượng hàng thiết yếu, không bị thiếu hàng.
Được biết, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ tết, cách đây vài tháng, Vinmart Yên Bái đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi nhằm chủ động nguồn cung dự trữ. Đồng thời, đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm từ 5 - 10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm tết để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Theo Sở Công Thương, mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc biệt là các DN phân phối hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán đã có kế hoạch cụ thể đối với việc nhập hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, các DN tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng với lượng hàng hóa ký kết tăng hai, ba lần so với ngày thường để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trịnh Văn Thành cho biết: Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng, hiện nay, nguồn đã có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân. Các sản phẩm này hoàn toàn nhập từ các cơ sở chế biến, các nhà phân phối lớn trong nước, khi lưu thông hàng hóa không bị ảnh hưởng, khả năng đáp ứng tốt kể cả khi nhu cầu tăng đột biến.
Tuy nhiên, khi dịch diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; do vậy, Sở đã vận động các cơ sở tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, cần thiết sẽ phối hợp với các tỉnh ít bị ảnh hưởng để đảm bảo nguồn cung.
Khi có các khu vực bị cách ly, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều ủng hộ việc tổ chức điểm bán hàng tại nơi cách ly. Sở cũng đã vận động và giao cho một số đơn vị cung ứng nguồn hàng cho địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, tập trung chủ yếu tại thành phố Yên Bái với giá trị 51,8 tỷ đồng.
Hiện, các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã nhập hàng và đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến các đại lý bán lẻ trong tỉnh từ thành thị đến nông thôn, vùng cao nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp tết. Thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường tết tăng từ 8 - 10% so với năm 2020 và tăng từ 10 - 15% so với thời điểm các tháng bình thường trong năm, ước tính giá trị lượng hàng hóa năm nay khoảng 65 tỷ đồng.
Để đảm bảo thị trường hàng hóa lưu thông ổn định, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cùng với chỉ số giá tiêu dùng để bình ổn thị trường; xây dựng phương án điều tiết khi cần thiết, tránh thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ cũng như chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng khi có biến động về giá hoặc khan hiếm hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hồng Duyên