Thống đốc: Khó lượng hóa được bao nhiêu tiền ra từ chính sách tiền tệ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/1/2022 | 8:51:27 AM

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tại thời điểm xây dựng gói hỗ trợ khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ

Chiều 7/1, giải trình về chính sách tài khóa, tiền tệ trong chương trình phục hồi kinh tế trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phần tác động đến bội chi ngân sách 240.000 tỷ đồng, trong đó thuế là 64.000 tỷ đồng.

Con số này, theo Bộ trưởng, cho thấy mức giảm thuế gấp 3 lần so với năm 2021 và chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết giảm thuế VAT 2% thì có tác dụng rộng hơn, lan tỏa tốt hơn, kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế

Giải đáp nhóm ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính cho biết, có đại biểu cho rằng việc giảm 2% thuế VAT là nhỏ, cần giảm đến 5%. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10%, trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản, sản xuất khoáng sản… giúp giảm 49.400 tỷ đồng.

Với hàng hóa chịu 5% thì số giảm lớn lên là 65% nên gây áp lực áp lực, gây mất cân đối ngân sách, phân loại nhiều cũng phức tạp nên xin giữ nguyên như tờ trình, Bộ trưởng cho hay.

Về đề nghị giảm thuế thu nhập thay cho VAT có tác dụng cho doanh nghiệp hơn, theo ông Phớc, giảm thuế VAT 2% thì có tác dụng rộng hơn, lan tỏa tốt hơn, kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế.

Còn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn không được hưởng để có thêm nguồn lực.

Với đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản và kinh doanh trên nền tảng số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hạn chế tiêu dùng, ông Phớc cho biết doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập.

Còn đối với bất động sản, mức thuế suất thuế TNDN 20% trên thu nhập được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp không được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và không áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với chuyển nhượng bất động sản. Đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức thuế suất 2% trên giá bán từng lần.

Hiện thị trường chứng khoán rất tốt, là kênh thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế, năm 2021 huy động được 7,77 triệu tỷ đồng nên Bộ trưởng đề nghị giữ nguyên quan điểm.

"Hiện nay tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Còn chuyển nhượng tài sản cá nhân thì nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế", Bộ trưởng thông tin.

Còn đối với nền tảng số, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ cũng đang tập trung truy thu với kinh doanh trên nền tảng số, không phân biệt trong hay ngoài nước.

Về nguồn lực, ông Hồ Đức Phớc cho biết gói kích cầu này chủ yếu nguồn vay trong nước thông qua trái phiếu Chính phủ và vay nước ngoài, cần phải sử dụng hiệu quả.

Khó lượng hóa lượng tiền ra từ gói

Thông tin thêm về gói tiền tệ sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, dư địa chính sách tiền tệ ở chương trình này ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.

Việc đưa ra gói phục hồi này, theo bà Hồng, cần yêu cầu đảm bảo cân đối vĩ mô. Vì chính sách tiền tệ bản chất là ngắn hạn theo sát diễn biến của kinh tế nên theo bà Hồng, cần điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Do tính chất ngắn hạn của chính sách tiền tệ nên cần sự linh hoạt theo sát thị trường nên có lúc phải đưa tiền ra và có lúc rút tiền về, nên tại thời điểm xây dựng chương trình này khó có thể lượng hóa được bao nhiêu lượng tiền ra từ chính sách tiền tệ", bà Hồng trả lời đề nghị lượng hóa của đại biểu.

Với việc giảm lãi suất, bà Hồng cho hay đây là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của ngành ngân hàng. Tuy nhiên hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là vấn đề thực sự khó khăn.

Mặc dù vậy theo bà Hồng, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cũng cân nhắc và đưa ra giải pháp là phấn đấu để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất từ 0,5-1% trong 2 năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Với một số công cụ khác như dự trữ bắt buộc, bà Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu và điều hành linh hoạt vì có lúc tăng, lúc giảm. Hiện nay dự trữ bắt buộc không sử dụng do thanh khoản đang dư thừa.

Với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, bà Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết để làm sao tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn tín dụng đáp ứng được yêu cầu cho gói này. Đặc biệt tiếp thu ý kiến đại biểu, trong thời gian tới, khi hướng dẫn sẽ tập trung đối tượng có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế gói hỗ trợ trước.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Ảnh minh hoạ

Việc khôi phục thông quan kể từ 10h ngày 7/1/2022.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Túy Loan. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những vấn đề nổi bật được giải trình tại báo cáo này là suất đầu tư dự án cao tốc.

Với mức đầu tư khủng, trục đường Âu Cơ nối với quốc lộ 3C và cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ là đòn bẩy thu hút làn sóng đầu tư trong thời gian tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục