Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra ngày 9-1.
Đánh giá những điểm sáng nổi bật là sản xuất công nghiệp tăng 4,81%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, Phó thủ tướng cho rằng ngành đã tận dụng rất hiệu quả các FTA thế hệ mới, giúp thị trường xuất khẩu mở rộng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp
Nhờ vào xuất khẩu tích cực có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay Việt Nam đã duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỉ USD.
Cung cầu hàng hóa được bảo đảm, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước cơ bản được giữ vững, cung ứng đầy đủ, kịp thời các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có giá cả ổn định.
Tuy vậy, một trong những khó khăn, hạn chế được Phó thủ tướng chỉ ra, đó là quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập.
Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, chiếm tới 70%, rủi ro lớn. Thị trường và kim ngạch xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cùng nhìn nhận đây là điểm nghẽn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chỉ ra tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm, như rau quả còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài tại cửa khẩu. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa cao.
Chưa vội mừng xuất khẩu vào châu Âu
Cũng trăn trở về xuất khẩu các sản phẩm nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra thực tế dù gần đây hàng nông sản xuất sang châu Âu ngày càng nhiều song theo các đại sứ, những chuyến hàng này vẫn chỉ mang tính tự phát.
Chúng chủ yếu nằm ở gian hàng người gốc Á, chứ chưa được chuẩn hóa, chưa vào hệ thống phân phối lớn của nước ngoài.
"Nếu tiếp tục thế này, dù năm nay xuất khẩu nông sản đạt gần 49 tỉ USD nhưng chưa nói lên điều gì về bền vững trong xuất khẩu" - ông Hoan nói và nhấn mạnh sẽ hướng đến chuẩn hóa vùng nguyên liệu, thành lập các liên minh xuất khẩu giữa doanh nghiệp và địa phương có vùng nguyên liệu.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngành công thương đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc, phối hợp với các bộ ngành địa phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Các mặt hàng đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu 2021
- Điện thoại các loại và linh kiện: 57,5 tỉ USD (tăng 12,4%).
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 51,01 tỉ USD (tăng 14,4%).
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: 38,34 tỉ USD (tăng 41%).
- Gỗ và sản phẩm gỗ: 14,8 tỉ USD (tăng 19,7%).
- Sắt thép các loại: 11,75 tỉ USD (tăng 123,4%).
- Dệt may: 32,71 tỉ USD (tăng 9,8%).
- Da giày: 17,65 tỉ USD (tăng 4,9%).
(Theo TTO)