Năm 2021, Yên Bái được Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 2.564 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 4.000 tỷ đồng, mục tiêu phấn đấu là trên 4.250 tỷ đồng. Trong đó, thu hải quan 320 tỷ đồng; thu nội địa 3.680 tỷ đồng...
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nhiệm vụ thu NSNN, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh xác định rõ công tác tổ chức điều hành NSNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự toán ở địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để triển khai thực hiện tốt thu NSNN trên địa bàn. Đối với nhiệm vụ thu ngân sách nội địa, trên cơ sở số giao dự toán phấn đấu, Cục Thuế tỉnh rà soát, đánh giá các khoản thu, sắc thuế để giao dự toán tới từng đơn vị trực thuộc.
Đồng thời, các cơ quan thuế tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp chống thất thu, khai thác nguồn thu và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cụ thể, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 (Nghị định số 52) gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền đến NNT.
Các cơ quan thuế hướng dẫn rõ về đối tượng, trình tự, thủ tục gia hạn thuế mà NNT cần thực hiện. Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng và các chi cục thuế khu vực thông tin đầy đủ, chi tiết đến tất cả NNT trên địa bàn bằng nhiều hình thức để NNT được biết và thụ hưởng chính sách này. Các chi cục thuế hỗ trợ, hướng dẫn NNT về cách thức, thủ tục đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế một cách thuận lợi, kịp thời. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ khai, nộp thuế; rà soát và quản lý đối tượng nộp thuế được thực hiện kịp thời; quy trình quản lý thuế thực hiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin theo quy định của Tổng cục Thuế.
Bên cạnh đó, ngành khuyến khích và hỗ trợ NNT kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử. Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng đạt trên 99%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt trên 99%.
Với những biện pháp quyết liệt, vừa hỗ trợ NNT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa khai thác hiệu quả các khoản thu, kết quả thu nội địa rất khả quan, thu NSNN trên địa bàn đạt 4.383 tỷ đồng, vượt 71% dự toán trung ương giao, vượt 9,6 dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 22% so với thực hiện năm 2020 (nếu trừ thu tiền sử dụng đất), thu nội địa ước đạt 2.361 tỷ đồng, vượt 41,5% dự toán Bộ Tài chính; vượt 10,8% HĐND tỉnh giao; vượt 5,8% theo Kết luận số 234 của Tỉnh ủy và tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Đối với thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu, Chi cục Hải quan Yên Bái đã phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Theo đó, Chi cục triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống liên thông một cửa quốc gia, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống nộp thuế điện tử, các hệ thống quản lý mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu nghiệp vụ để thực thi công vụ được nhanh chóng, hiệu quả. Hàng ngày, doanh nghiệp có thể khai báo làm thủ tục với Chi cục Hải quan 24/24 giờ đối với tất cả các ngày làm việc trong tuần, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến giao dịch, góp phần tăng thu NSNN. Qua đó, Chi cục Hải quan Yên Bái thu NSNN từ hoạt động xuất, nhập khẩu được 364 tỷ đồng, đạt 165,5% kế hoạch Bộ Tài chính giao, bằng 113,8% tỉnh giao, bằng 104% theo Kết luận số 234 Tỉnh ủy, tăng 36,9% so với năm 2020.
Năm 2022, HĐND tỉnh giao thu NSNN trên địa bàn là 4.600 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 4.200 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 400 tỷ đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trên cơ sở dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngành thuế, hải quan cần chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống.
Tăng cường và đổi mới tuyên truyền chính sách thuế, nâng cao chất lượng các buổi tọa đàm, đối thoại, tư vấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các luật, chính sách thuế, chú trọng các chính sách thuế mới được sửa đổi, bổ sung.
Các cơ quan thuế quản lý nguồn thu theo từng sắc thuế, từng NNT trên cơ sở bám sát địa bàn và nắm chắc hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT. Ban Chỉ đạo Chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN các cấp chỉ đạo khai thác nguồn thu còn nhiều tiềm năng tại các khu vực kinh tế. Tăng cường các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN.
Quang Thiều