Trong suốt 2 năm qua, nhóm giảng viên thuộc Trung tâm thí nghiệm thực hành Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm mì ăn liền có thành phần trái cây thanh long.
Theo đó, nhóm đã sử dụng công nghệ nano để hỗ trợ cho khả năng phân tán thịt quả thanh long trong khối bột, nhằm giữ màu sản phẩm cũng như giúp hạn chế suy giảm những hoạt chất sinh học trong trái. Mục đích của việc này là duy trì tối đa các thành phần có lợi trong trái thanh long trong sản phẩm.
Thạc sĩ Tiền Tiến Nam, giảng viên ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi tham gia dự án này là vì thấu hiểu sự trăn trở của Hiệp hội thanh long Bình Thuận về việc nâng cao giá trị từ quả thanh long và giảm sự phụ thuộc vào tiêu thụ thanh long tươi".
Theo ông Nam, nhóm rất hào hứng nghiên cứu với mong muốn góp phần nhỏ bé về mặt kỹ thuật, công nghệ để chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long, hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị và tìm đầu ra ổn định cho nông sản.
Nhóm giảng viên trong quá trình nghiên cứu
Khó khăn lớn nhất mà nhóm nghiên cứu gặp phải là chuyển từ quy mô nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ra quy mô thực tế của nhà máy. "Tuy nhiên, chúng tôi đã được Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận tạo điều kiện đầu tư hệ thống thiết bị quy mô thử nghiệm với công suất 50kg/mẻ sản xuất. Vì thế, việc đưa vào sản xuất ở quy mô nhà máy rất thuận lợi và hầu như không phải điều chỉnh nhiều về mặt công nghệ", thạc sĩ Nam chia sẻ.
Ông Nam gọi đây là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu và sản xuất giữa Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM với Viện Khoa học kinh tế - công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công Ty TNHH Caty Food. Sản phẩm mì ăn liền có thành phần trái cây thanh long đã được công bố tại TP.HCM vào ngày 8.1 vừa qua.
Các giảng viên bên sản phẩm mì ăn liền từ trái thanh long
Mì ăn liền có thành phần trái cây thanh long đã được các cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận. Theo thạc sĩ Nam, vì mì ăn liền này được làm từ thanh long ruột đỏ nên có những lợi ích cho sức khỏe như cung cấp thêm vitamin A và C, sắt, canxi và chất xơ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiếu máu, bảo vệ đường ruột... Đặc biệt có thành phần chống oxy hoá chống lão hoá, ổn định huyết áp và nhịp tim.
"Việc triển khai kết quả nghiên cứu này có thể giúp người trồng thanh long có thêm kênh tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm từ thanh long", thạc sĩ Nam nhìn nhận.
Về giá thành, thạc sĩ Nam cho hay do sản phẩm chưa sản xuất bán đại trà nên phía doanh nghiệp chưa cung cấp thông tin về giá bán, tuy nhiên, dự đoán sẽ tương đương các sản phẩm khác trên thị trường.
Như vậy, trong những nỗ lực hỗ trợ nông dân, đến nay thanh long trở thành một thành phần trong nhiều loại thực phẩm, đồ uống khác nhau, từ rượu vang, siro, thạch cho đến kem và bánh mì.
(Theo TNO)