Báo cáo của BSC cho biết, trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm còn 0%/năm, góp phần thúc đẩy tín dụng tăng cao hơn kỳ vọng giữa năm. Đồng thời, việc hoạt động sản xuất dần phục hồi cũng làm tăng nhu cầu tín dụng giai đoạn nửa cuối năm 2021.
BSC nhận định, với tình trạng lạm phát Việt Nam vẫn ở mức khá bình ổn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, NHNN sẽ có thêm nhiều động lực để duy trì chính sách. Thêm vào đó, thông tin Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có 3 lần tăng lãi suất từ 0 - 0,25% lên mức 0,75 - 1% vào năm 2022 sẽ gia tăng áp lực về lãi suất với NHNN.
Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, nền tảng vĩ mô được hồi phục và độ bao phủ vaccine ngày càng rộng để người dân quay trở lại hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới nhu cầu tín dụng được cải thiện.
Với những nhận định trên, BSC đưa ra hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) cho năm 2022, cụ thể:
Kịch bản 1: Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng hiện tại của NHNN. Hiện tượng này sẽ khiến cho M2 và tín dụng có mức tăng trưởng ngang với giai đoạn 2020-2021, lần lượt đạt 12% và 13%.
Kịch bản 2: Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chậm, lạm phát nằm ở mức thấp và từ đó, tạo ít áp lực nâng lãi suất đối với NHNN. Bối cảnh tiền tệ ổn định có thể tạo điều kiện ổn định cho NHNN nâng mức lãi suất và tín dụng trên mức trung bình của giai đoạn 2020 và 2021. M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 14% và 13%.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng ở mức 14% và NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm.
Tuy nhiên, NHNN định hướng dòng vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú… Trong khi đó, dòng vốn vào bất động sản, trái phiếu DN, chứng khoán… sẽ được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021.
Với góc nhìn lạc quan hơn, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể tăng trên 15%. Nguyên nhân được đưa ra là với chương trình kích thích kinh tế bao gồm đầu tư công, những gói hỗ trợ DN về thuế, hỗ trợ lãi suất có thể tạo ra cú huých với tăng trưởng tín dụng.
Để hỗ trợ tăng trưởng, các chuyên gia của BVSC cho rằng, Chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ cần hướng đến thúc đẩy cả nguồn vốn đầu tư, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, thu hút vốn FDI và kích hoạt lại dòng vốn đầu tư tư nhân.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. "Đây là con số định hướng chứ không cố định, có thể cao hơn hay thấp hơn 14% tùy theo mục tiêu ổn định vĩ mô, giá trị đồng tiền, tỷ giá, lạm phát”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lưu ý.
(Theo PLVN)