Xuất khẩu tăng cao ở hầu hết các thị trường
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, năm 2021, lần đầu tiên doanh nghiệp này xuất khẩu 2,3 triệu tấn phôi thép và thép xây dựng cùng với 297.000 tấn tôn mạ. Các sản phẩm thép Hòa Phát đã có mặt tại 20 quốc gia, trong đó có các thị trường tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đáng chú ý, các ưu đãi thuế quan của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp sản lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát tới thị trường Canada và Nhật Bản tăng gấp đôi so với năm 2020, lần lượt ở mức 266.000 tấn và 127.000 tấn.
Năm 2021, lần đầu tiên sắt thép lọt vào nhóm 8 mặt hàng xuất khẩu có tổng kim ngạch trên 10 tỷ USD. Nhờ các hiệp định thương mại tự do, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước năm 2021 đạt kỷ lục 336,25 tỷ USD. Đánh giá về kết quả xuất khẩu năm 2021, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, ngoài việc thị trường nước ngoài phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam tăng rất cao sau khi EVFTA được thực thi, như thủy sản, gạo, nông sản… Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng rất tốt các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Hay như với UKVFTA, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán để ngay sau khi Anh chính thức rời EU, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi theo UKVFTA. Kết quả, năm 2021, xuất khẩu sang xứ sở Sương mù tăng 15,4%. Còn với CPTPP, xuất khẩu sang 2 thị trường Mexico, Canada cũng có tăng trưởng trên 2 con số.
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu thị trường
Bộ Công Thương dự báo, 2022 là năm có nhiều thuận lợi với hoạt động xuất khẩu của nước ta, khi các nước mở cửa trở lại, làm tăng nhu cầu hàng hóa, trong đó có các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đã có kinh nghiệm tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các hiệp định thương mại nhằm đạt tăng trưởng xuất khẩu. Hơn nữa, thị phần hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tới các thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Cụ thể với thị trường EU, hàng hóa Việt Nam mới chiếm khoảng 2%, thị trường Anh mới chỉ chiếm 0,88%... trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 cũng mở ra kỳ vọng cho xuất khẩu Việt Nam tới thị trường 15 quốc gia thành viên với quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng.
Để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Bộ Công Thương đang tích cực phổ biến các quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi; thông tin về dung lượng, thị hiếu thị trường, quy định cụ thể mặt hàng nhập khẩu… thông qua các hội nghị, tập huấn chuyên sâu. Công tác xúc tiến thương mại cũng được Bộ chú trọng đổi mới theo hình thức số hóa, trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác.
Riêng với RCEP, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Phạm Quỳnh Mai cho biết: "Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành kế hoạch thực thi, trong đó bao gồm việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến các cam kết của hiệp định, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh...”.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn hết vẫn là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường thông tin, Anh hiện đang thực hiện chiến lược thương mại "Nước Anh toàn cầu", sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa với các đối tác nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA. "Các doanh nghiệp Việt Nam cần giữ vững sự tín nhiệm với bạn hàng, bảo đảm cam kết giao hàng và chất lượng hàng hóa để tiếp tục gia tăng thị phần xuất khẩu tới Anh”, ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.
Đây cũng là khuyến nghị được Bộ Công Thương, các chuyên gia kinh tế nhiều lần đưa ra để thúc đẩy xuất khẩu bền vững tới các thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.
(Theo HNM)