Trả lời báo chí về tình hình triển khai nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đây một trong những gói hỗ trợ quan trọng, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều bộ, ngành liên quan đã trình Chính phủ một nghị quyết để triển khai với 2 nội dung.
Trước hết là triển khai nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tiếp đó là tập trung vào 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nhóm giải pháp chính sách phòng, chống dịch bệnh, năng cao năng lực y tế. Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh: Ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn và tăng cường tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn,; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm.
Thứ ba là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân doanh; Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Hỗ trợ lãi suất cho vay 2%/năm tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ hoặc có khả năng phục hồi, các lĩnh vực bị thiệt hại nặng hoặc những lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục xem xét giảm tiền điện, tiền nước, tiền cước viễn thông cho doanh nghiệp, người dân.
Thứ tư là đầu tư phát triển hạ tầng; Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng y tế, xã hội, lao động - việc làm, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai...
Thứ năm, tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; Tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tháo gỡ vướng mắc về quy định, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.
"Trong nghị quyết, chúng tôi tham mưu cho Chính phủ triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong năm 2022 và 2023, chậm nhất bắt đầu trong quý 1/2022 các bộ, ngành phải triển khai", ông Trần Duy Đông cho hay.
Nói cụ thể hơn về các công việc đã và đang triển khai, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng thêm 2% đã được Bộ Tài chính tích cực triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP trong hôm nay.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết nêu trên bao gồm 20 trang, nhưng đã có tới 10 trang giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ ngành, để các bộ ngành phối hợp cho nhau để nhịp nhàng.
Ngoài ra, theo ông Trần Duy Đông, việc thực hiện nghị quyết cần có cơ chế giám sát, sự vào cuộc thêm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo công khai minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng hay trục lợi chính sách…
Nghị quyết giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối theo dõi đôn đốc các bộ ngành triển khai và kịp thời báo cáo Quốc hội vào phiên họp cuối năm 2022-2023 và tổng kết vào năm 2024.
(Theo dansinh)