Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP triển khai áp dụng từ ngày 1/2/2022 đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân, xã hội.
Khảo sát tại một số siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái cho thấy, sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ 1/2/2022, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh trên địa bàn đã nắm được chính sách này và thực hiện các thủ tục cần thiết để được giảm thuế. Nhiều người cho biết, cũng nhờ chính sách giảm thuế GTGT, nên giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm khá ổn định, không tăng giá, mặc dù trong những ngày vừa qua thời tiết rất bất lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Chị Trần Thị Lụa ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: thị trường hàng hóa sau tết thường tăng giá do nhiều gia đình, cơ quan, tổ chức gặp mặt ăn uống, người dân mua sắm đi lễ chùa đầu năm… Tuy nhiên, năm nay một phần do dịch bệnh, người dân ít tổ chức các hoạt động ăn uống, hạn chế đi lễ chùa một phần cũng nhờ được giảm thuế GTGT nên hầu hết các mặt hàng thiết yếu giá cả khá ổn định.
Có thể nói, giảm 2% thuế GTGT thực sự là chính sách đúng đắn và kịp thời. Đây là một trong những biện pháp kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận dân cư giảm và một bộ phận doanh nghiệp bị khó khăn do thiếu hụt nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Bằng chính sách này, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hầu hết hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế được giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Như vậy, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn nếu lựa chọn của người kinh doanh là giữ nguyên giá bán chưa thuế GTGT, hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân và qua đó kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển.
Trường hợp lựa chọn của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) là giữ nguyên giá bán đã có thuế như trước khi giảm thuế và nếu như thị trường chấp nhận điều đó thì lợi nhuận của người kinh doanh tăng lên tương ứng với phần thuế được giảm.
Trong trường hợp này, việc giảm thuế hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính cho người SXKD. Các chính sách hỗ trợ trước đây cũng là giảm thuế nhưng giảm trực tiếp (thuế trực thu), còn GTGT là thuế gián thu nên việc giảm thuế GTGT tác động cả đến tiêu dùng, đến SXKD của các DN, đến cả cung và cầu của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: đối với các doanh nghiệp, được giảm GTGT, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giải quyết vấn đề đầu ra, đầu ra sẽ "dễ thở” hơn và có dư địa sản xuất hơn. Nghĩa là, trong bài toán kinh tế, doanh nghiệp sẽ dễ tính được đầu ra và điều đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm mở rộng SXKD.
Với người dân, việc giảm thuế GTGT (là thuế gián thu) nên tác động gián tiếp đến tiêu dùng làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm đi. Khi mặt bằng giá cả tiêu dùng giảm, sẽ tiết kiệm chi tiêu cho người dân khi cùng với lượng hàng hóa như vậy nhưng người tiêu dùng chỉ phải bỏ ra ít tiền hơn để mua.
Giảm thuế GTGT sẽ hỗ trợ tiêu dùng tùy mặt hàng được giảm thuế mà có tác động nhiều hay ít, nhưng nói chung hỗ trợ này sẽ khuyến khích, thúc đẩy "cầu” của người dân và làm cho cầu hàng hóa tăng lên. Tuy nhiên, đối với Nhà nước, khi giảm thuế GTGT thì ngân sách cũng sẽ bị giảm thu từ loại thuế này.
Nhưng mặt khác, giảm thuế GTGT sẽ tác động lên giá tiêu dùng, giúp mặt bằng giá tiêu dùng giảm. Điều này có tác động tốt trong việc kiềm chế lạm phát nên đó lại là điều tích cực đối với điều hành kinh tế vĩ mô.
Độ lan tỏa của chính sách này rất tốt, vì giảm thuế GTGT sẽ tác động đến hầu hết giá cả các mặt hàng tiêu dùng nói chung. Vì vậy, ngành thuế sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến tất cả doanh nghiệp và người dân giúp họ hiểu được chính sách và vận dụng đúng. Điều này rất quan trọng bởi thực tế hiện nay, còn nhiều người chưa hiểu được chính sách này. Ngành thuế Yên Bái đã mở kênh thông tin, đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp vướng mắc chỗ nào cần hướng dẫn, giải đáp là cơ quan thuế có thể hỗ trợ được ngay.
Quang Thiều