Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các CNNH, QTDND trên địa bàn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch thông qua việc thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thúc đẩy giao dịch điện tử; triển khai hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo các CNNH, QTDND cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn cho vay khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19; phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, người dân, khách hàng vay vốn để chủ động có những biện pháp hỗ trợ kịp thời; rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, bảo đảm các hoạt động ngân hàng được liên tục trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp.
Cùng đó, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai kịp thời quy định về cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 và Quyết định 23, Quyết định số 33 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng hóa của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia sản xuất ra khó tiêu thụ, doanh thu sụt giảm, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Sau khi Nghị quyết 68 của Chính phủ được ban hành, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn đã đến doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến chính sách.
Xét thấy doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện cho vay, ngân hàng đã giải ngân cho doanh nghiệp vay với số tiền 144 triệu đồng, lãi suất 0%/năm, thời hạn vay dưới 12 tháng để phát triển sản xuất và trả lương cho người lao động phải nghỉ việc trong 3 tháng (5, 6, 7) năm 2021…
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh, năm 2021, có 80 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại là 223 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 197 khách hàng với dư nợ đã được miễn, giảm lãi là 294 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới từ ngày 23/1/2020 đến hết tháng 2/2022 là 17.731 tỷ đồng với 17.641 khách hàng, trong đó khách hàng là doanh nghiệp và hợp tác xã còn dư nợ là 112 đơn vị với doanh số cho vay là 7.328 tỷ đồng; 17.521 khách hàng cá nhân còn dư nợ với doanh số cho vay là 10.316 tỷ đồng.
Giảm lãi từ mức 0,2% đến 2,5%/năm cho 53.383 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 24.280 tỷ đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng và khả năng tài chính của từng CNNH, QTDND.
Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các CNNH, QTDND thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022; về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, cụ thể hóa Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 phù hợp với điều kiện, hoạt động ngân hàng; tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình, kể cả cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất tiền vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; chủ động tiếp cận khách hàng, tiếp cận dự án để xem xét cho vay và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn trên cơ sở phải đảm bảo được hiệu quả của vốn vay; tăng trưởng tín dụng phải gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng; triển khai tích cực, quyết liệt các giải pháp thu hồi và xử lý nợ xấu; hạn chế tới mức thấp nhất nợ xấu phát sinh.
Đối với các QTDND phải hoạt động đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hợp tác xã, trên cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc tương trợ, giúp đỡ các thành viên. Cùng đó, tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các ngân hàng, QTDND trên địa bàn.
Quang Thiều