Gia đình anh Giàng A Chơ ở bản Chí Lư, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu năm nay thu nhập trên 100 triệu đồng từ vườn chè Shan tuyết cổ thụ. Anh Chơ chia sẻ: "Kể từ khi tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ chè, chúng tôi được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, khoanh vùng bảo vệ, không để gia súc phá hoại cây chè. Vụ vừa qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 song chè hái đến đâu bán hết đến đó. Hơn 20 tấn chè với giá bán ổn định từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, chúng tôi có tiền để mua sắm thêm công cụ sản xuất, đồ đạc trong gia đình và cho con cái đi học”.
Trên địa bàn xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu hiện có trên 620 ha chè Shan tuyết, trong đó 400 ha đang cho thu hoạch. Từ khi xây dựng được chuỗi liên kết, cây chè đã trở thành nguồn thu nhập ổn định cho nhiều đồng bào Mông nơi đây.
Được biết, đơn vị liên kết bao tiêu chè cho người dân Phình Hồ là Công ty TNHH Chè Hiệp Thành. 3 năm nay, Công ty đã hỗ trợ nhân dân trồng mới gần 200 ha chè, trồng dặm, phát triển nương chè và chuẩn bị hướng dẫn, đề nghị bà con rào nương giúp sinh thái nương chè bền vững. Công ty đã xây dựng nhà máy trên địa bàn xã với năng suất thu mua khoảng 5 tấn chè tươi mỗi ngày, đủ sức bao tiêu chè cho người dân 2 xã Làng Nhì, Phình Hồ.
Hiện, Công ty đang sản xuất 3 loại chè chính là chè xanh, Bạch trà, Hồng trà, phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Sản phẩm đã được chính quyền các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ thực hiện chứng nhận hữu cơ, được xác lập chỉ dẫn địa lý và là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Chuỗi giá trị góp phần giải bài toán chất lượng nông sản
Có thể thấy rõ liên kết chuỗi giá trị đã mang lại nhiều lợi ích. Người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.
Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Với những lợi ích đó, những năm qua, xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết giá trị được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm triển khai với các chính sách hỗ trợ. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với tổng kinh phí 225,7 tỷ đồng, trong đó 77,4 tỷ đồng từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2021, trong Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh có 11/15 chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tổ chức sản xuất sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị cho các đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị.
Các chính sách này hỗ trợ các sản phẩm như: chè vùng cao, chè vùng thấp, quế hữu cơ, cây ăn quả, dâu tằm, tre măng Bát Độ, sơn tra … xây dựng các chuỗi giá trị - đây cũng là nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Hết năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ hình thành thêm 25 chuỗi giá trị, trong đó 21 chuỗi từ nguồn Nghị quyết 69, 4 chuỗi từ nguồn địa phương và người dân, từ đó, góp phần phát triển, mở rộng các vùng nguyên liệu chuyên canh theo chuỗi giá trị như: 5.000 ha lúa, 5.000 ha chè, 4.362 ha cây ăn quả, 700 ha dâu tằm, 38.100 ha quế, 90.031 ha gỗ rừng trồng trong đó 11.543 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, 3.165 ha sơn tra…
Hoài Anh