Từ ngày 15/3, Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Động thái này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong khôi phục ngành công nghiệp không khói này với kỳ vọng đón 5 triệu lượt du khách quốc tế và phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ hoạt động du lịch trong năm 2022 đạt 400.000 tỷ đồng.
Việc mở cửa hoàn toàn không chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch mà khẳng định hiệu quả công tác chống dịch, khả năng thích ứng trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng như kết quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ thực hiện trong thời gian qua...
Mặc dù kỳ vọng vào thời khắc mở cửa nhưng các doanh nghiệp du lịch lữ hành không khỏi thấp thỏm bởi những phản ứng khá chậm chạp từ các ngành liên quan. Cụ thể, trong khi đề xuất F0 không triệu chứng và F1 có thể đi làm trực tiếp thì Bộ Y tế vẫn "cân nhắc" trước những quy định về các biện pháp cách ly, phòng dịch đối với du khách quốc tế.
Thực tế, phải đến ngày 15/3, vào đúng thời điểm Chính phủ mở cửa du lịch hoàn toàn thì Bộ này mới có văn bản quy định người nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và thực hiện khai báo y tế, không cần cách ly. Lúc này, dù cửa đã mở nhưng các doanh nghiệp cũng chưa thể "bói" ra khách để có thể phục vụ được trong khi sau thời gian dài nghỉ vì dịch, họ đã mất đi các đầu mối kết nối với du khách. Chưa kể Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất khách du lịch nước ngoài phải mua bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị Covid-19 khiến các doanh nghiệp lữ hành "xoay như chong chóng" để có thể đáp ứng thì đúng một cái, đề xuất này bị hủy bỏ. Bao công sức của doanh nghiệp bỗng trở thành công cốc.
Mặc dù các chính sách để kích cầu du khách quốc tế đã được triển khai, tuy nhiên theo PGS.TS - chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên thì chỉ miễn thị thực 15 ngày cho công dân 13 quốc gia cho thấy Việt Nam vẫn "quá thận trọng" khi mở cửa. Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các nước có thế mạnh về du lịch, những quy định này phần nào sẽ cản trở việc tiếp cận du khách quốc tế ở các quốc gia được đánh giá là nhiều tiềm năng.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta đã nói quá nhiều đến việc sẵn sàng cơ sở vật chất và các điều kiện để đón du khách quốc tế nhưng không hẳn thực tế hoàn toàn như vậy. Những hình ảnh nhếch nhác, tạm bợ, nhiều dịch vụ chưa được kích hoạt trở lại tại sân bay Tân Sơn Nhất được báo chí phản ánh mới đây khiến người viết không khỏi băn khoăn. Đây được coi là một trong những cửa ngõ đầu tiên để đón du khách quốc tế đến với Việt Nam, bởi vậy nó phải thực sự tạo được ấn tượng về một Việt Nam văn minh, lịch sự và chu đáo.
Theo lý giải của đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì khu vực nhếch nhác, mất mỹ quan được báo chí phản ánh vào ngày 23/3, tức sau gần 10 ngày kể từ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, là của một số đối tác, hiện chưa được khai thác và chưa đón khách. Trong khi đó, Cảng vụ hàng không Miền Nam lại khẳng định công tác chuẩn bị đón khách đến sân bay Tân Sơn Nhất đã được chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, trang thiết bị từ cách đây một tháng!.
Chưa đón khách là có quyền để xảy ra tình trạng nhếch nhác, bừa bộn như vậy? Chẳng lẽ, phải đợi đến khi khách đến, chủ nhà mới dọn dẹp tinh tươm để sẵn sàng rước khách vào nhà.
Thống kê cho thấy, vào ngày 1/1/2022, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam tăng 248%, đến ngày 21/1 con số này là 425% và ngày 3/2 là 374% so với cùng kỳ năm 2021. Rõ ràng, với việc nằm trong nhóm 10 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới, Việt Nam đang là điểm đến an toàn được du khách quốc tế cân nhắc.
Thận trọng trước dịch bệnh là cần thiết nhưng nếu mở cửa một cách rón rén và còn tồn tại tư duy "ăn xổi", e rằng ngành du lịch sẽ đánh mất thời điểm vàng để "cất cánh" trong thời gian tới.
(Theo Dân trí)