Thị trấn Nông trường Trần Phú "vững" nghề nuôi ba ba

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2022 | 7:43:46 AM

YênBái - Là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong phát triển nghề nuôi ba ba, đến nay, thị trấn Nông trường (TTNT) Trần Phú, huyện Văn Chấn có trên 300 hộ nuôi ba ba với tổng thu nhập trên 10 tỷ đồng mỗi năm.

Một con ba ba gai thương phẩm nặng gần 20 kg, trị giá hơn 10 triệu đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Cường.
Một con ba ba gai thương phẩm nặng gần 20 kg, trị giá hơn 10 triệu đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Cường.

Theo các hộ nuôi lâu năm ở TTNT Trần Phú cho biết, nghề nuôi ba ba có ở địa phương từ những năm đầu thập niên 90. Sở dĩ, nghề nuôi ba ba ở đây phát triển mạnh là do có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều khe, suối, tốc độ dòng chảy lớn, lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa, nước suối trong, mát, giàu khoáng chất. Mặt khác là, do các hộ dân nơi đây rất ham học hỏi, chịu khó trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, sẵn sàng chia sẻ, giúp nhau làm giàu. 

Anh Nguyễn Văn Cường, tổ dân phố Trung Tâm - một trong những hộ nuôi ba ba với quy mô lớn tại thị trấn này cho biết: "Nghề nuôi ba ba không quá vất vả, song làm nghề gì cũng cần phải tâm huyết, yêu nghề thì "nghề” mới không phụ công. Nhận thấy tiềm năng nghề nuôi ba ba là rất lớn nên từ năm 2001, gia đình tôi và 3 hộ khác cùng là anh em trong nhà đã mạnh dạn liên kết, đấu thầu hồ nuôi rộng 1,7 ha. Có năm xảy ra lũ lớn, cả hồ ba ba gần như mất sạch. Các hộ đều rất buồn, song lại bảo nhau cùng cố gắng, đầu tư, kiến cố lại khu vực nuôi cho an toàn, chắc chắn”. 

Hiện tại, trung bình mỗi năm, hồ nuôi ba ba của gia đình anh Cường và các hộ làm chung xuất ra thị trường từ 1,5 - 2 vạn con giống, cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 1,4 tỷ đồng. Ngoài cung cấp ba ba giống, gia đình anh Cường và các hộ còn bán cả ba ba thịt với giá dao động từ 400.000 - 700.000 đồng/kg tùy theo cân nặng. 

Qua tìm hiểu, loài ba ba được hộ gia đình anh Cường và các hộ ở thị trấn Nông trường Trần Phú lựa chọn nuôi chủ yếu là ba ba gai, bởi loài này có ưu điểm là trọng lượng lớn, thịt thơm ngon. Do có quá trình phát triển lâu dài nên đến nay, hầu hết các hộ nuôi ba ba ở đây đã chủ động hoàn toàn về kỹ thuật sản xuất giống. Điều này, không chỉ giúp các hộ tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu mà còn tăng thêm thu nhập nhờ nhu cầu con giống của thị trường ngày càng tăng. 

Từ năm 2020, sản phẩm ba ba gai thương phẩm của huyện Văn Chấn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; trong đó, khu vực Chỉ dẫn địa lý có TTNT Trần Phú. 

Đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện Văn Chấn nói chung và TTNT Trần Phú nói riêng tiếp tục phát huy lợi thế về nghề nuôi ba ba có cơ hội quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi và nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản. 

Hiện tại, ba ba giống và ba ba thương phẩm ở TTNT Trần Phú đã có tiếng trên thị trường nên khách tìm đến mua không chỉ là người dân trong tỉnh mà còn có rất nhiều các thương lái, chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn đến từ: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ... 

Nghề nuôi ba ba phát triển đã tạo việc làm và giúp cho cuộc sống người dân ở TTNT Trần Phú đổi thay rõ nét; trong đó, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu mà còn trở thành triệu phú, tỷ phú nổi tiếng trong vùng. 

Ông Dương Hữu Tư - Phó Chủ tịch UBND TTNT Trần Phú cho biết: "Có thể khẳng định, ở đây chưa có vật nuôi nào cho giá trị cao bằng nuôi ba ba. Vì vậy, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba về vốn, kỹ thuật nuôi; khuyến khích các hộ mở rộng và cải tạo diện tích nuôi ba ba; quan tâm thành lập các tổ hợp tác nuôi ba ba; giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng quy mô thành trang trại để chăn nuôi hiệu quả”. 

Hồng Oanh

Tags Yên Bái Văn Chấn Thị trấn Nông trường Trần Phú nuôi ba ba thị trường tiêu thụ sản phẩm

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra sản xuất tại Nhà máy giấy đế Yên Hợp.

Năm 2022, huyện Văn Yên đặt mục tiêu cải thiện điểm số DDCI (bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương) của huyện, vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh nằm trong tốp đầu của tỉnh và nằm trong nhóm có chất lượng điều hành tốt.

Thương vụ Việt Nam tại Italya làm việc với cảnh sát tài chính tại La Spezia, ngày 22/3/2022.

Tính đến 3/4, các công ty Việt Nam đã thu hồi được 12/35 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị mất chứng từ gốc.

Thủy lợi Roong Đen được gia cố, sửa chữa vào năm 2020. (Ảnh minh họa)

Nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Lục Yên được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Điều này, đã góp phần rất lớn cho bảo đảm nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục