Sáng 19/4, Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN - tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề "Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết."
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc, được ký kết vào ngày 15/11/2020.Hiệp định có hiệu lực sau khi có đủ 6 nước ASEAN và 3 đối tác ngoài ASEAN hoàn tất quá trình phê chuẩn nội bộ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh, Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này.
Trong so sánh với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và/hoặc có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường RCEP 132,32 tỷ USD hàng hóa, tăng khoảng 16% so với năm 2020 và nhập khẩu từ khối này 238,5 tỷ USD, nhập siêu hơn 106 tỷ USD.
Cụ thể, các nước đối tác thành viên trong Hiệp định RCEP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong top 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (tính lũy kế tới hết 6/2021) có 6 nước RCEP (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan), với tổng vốn đăng ký lũy kế chiếm 61% tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút được.
Do đó, theo bà Trang, việc ký kết và thực thi RCEP được kỳ vọng sẽ làm gia tăng đầu tư từ khu vực này, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài. .
Từ góc độ thương mại, các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt là các nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn đầu vào giá tốt, nguồn công nghệ có chất lượng để cải thiện năng lực sản xuất, cạnh tranh.
Với nguồn cung nguyên liệu đầu vào lớn từ khu vực thị trường RCEP, doanh nghiệp có thể dễ dàng đáp ứng các quy tắc xuất xứ hơn để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu trong RCEP.
Chỉ ra một số cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ RCEP, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, RCEP đi vào thực thi từ đầu năm 2022 có thể giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia, nhờ các tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại, gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, thách thức về thương mại được ông Dương nêu là vấn đề gia tăng nhập siêu, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng và khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP của các doanh nghiệp trong nước.
"Để ứng phó với các rào cản, quy định mới trong RCEP là không dễ, do đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu (đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, SPS khó khăn hơn) và không nên có suy nghĩ các thị trường RCEP dễ tính", ông Dương lưu ý.
Một vấn đề nữa là doanh nghiệp không tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình, từ đó chủ động "hái trái cành thấp", tận dụng những cơ hội gia tăng xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế quan thông qua đáp ứng quy tắc xuất xứ dễ thở hơn trong các FTA với ASEAN và ASEAN+...
RCEP là nỗ lực của các nước ASEAN và 5 đối tác nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong khu vực. Việc ký kết và thực thi Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp tăngcường quan hệ đối tác, cơ hội việc làm và thu nhập cho khu vực kinh tế với quy mô 2,2 tỷ dân (khoảng 30% dân số thế giới) và GDP trên 26.000 tỷ USD (30% GDP toàn cầu).
(Theo baodautu)