Là DN chuyên sản xuất ván ghép thanh với mục tiêu là XK sang thị trường EU, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, DN Tư nhân Đăng Khoa, huyện Trấn Yên đã chủ động nghiên cứu thị trường, khách hàng và các điều kiện Hiệp định đặt ra để làm sao tiếp cận thị trường tiềm năng này nhanh nhất.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc DN cho biết: Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến việc bảo vệ phát triển rừng; có yêu cầu cao về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp. Do vậy, chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát về nguồn gốc gỗ; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường; đáp ứng quy tắc ứng xử.
"Ngoài yếu tố mẫu mã thì chất lượng sản phẩm được coi là tiêu chí số 1; do đó, DN phải nâng cao năng lực sản xuất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập lại hệ thống quản lý chất lượng, đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại... để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn hàng XK sang thị trường EU” - ông Khoa nói.
Được biết, hiện nay, DN Đăng Khoa đã có đơn hàng đến hết tháng 6 và dự kiến tổng doanh thu năm 2022 đạt trên 80 tỷ đồng; trong đó, doanh thu XK khoảng 50 tỷ đồng.
Hoạt động trong lĩnh vực chế biến chè, sản phẩm chè đen, chè xanh của Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Kiến Thuận (HTX Kiến Thuận) xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn hiện đang XK sang các nước: Mỹ, Nga, Indonesia, Belarus, Pakistan. Để đạt chất lượng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài như Unilever Việt Nam yêu cầu chất lượng sản phẩm vô cùng khắt khe.
Cụ thể, vùng nguyên liệu phải cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm (chuồng trại chăn nuôi, nguồn nước ô nhiễm…); quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn GlobalGAP (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguồn nước… phải đạt chất lượng) nên HTX rất chú trọng đến vấn đề này.
Do đó, HTX Kiến Thuận đã xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu rõ ràng vị trí từng hộ thành viên để tạo thuận lợi trong việc quản lý. Bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt trong việc ghi nhật ký chăm sóc chè, HTX đã thành lập những tổ cơ động để kiểm tra và kiểm soát hoạt động của các hộ thành viên. Nhờ đó, chất lượng chè luôn được bảo đảm theo đúng quy chuẩn quốc tế.
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc HTX Kiến Thuận cho biết: "Chỉ một sai sót nhỏ trong quy trình chăm sóc, thu hái thì HTX cũng có thể chịu phạt rất nặng từ đối tác. Đặc biệt, hàng năm có chuyên gia Công ty Unilever Việt Nam đến kiểm tra, lấy mẫu thử, nên sản phẩm của HTX luôn được bạn hàng đánh giá cao”.
Vừa qua, HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại để xây dựng 2 nhà máy chế biến chè đen XK, 1 máy tách cẫng chè kỹ thuật số 4D, máy tách màu ISORT 4GT công nghệ Hàn Quốc, máy lên men, dây chuyền băng tải... với tổng mức đầu tư gần chục tỷ đồng, nâng công suất hoạt động của HTX từ 500 kg lên 700 kg thành phẩm/giờ.
Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu đảm đảm chất lượng quốc tế, đầu tư trang thiết bị hiện đại, HTX còn chú trọng đến nguồn nhân lực. Hiện, cán bộ của HTX được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
"Chúng tôi có 1 thạc sĩ chuyên ngành kinh tế du học ở Úc về phụ trách mảng XK, xúc tiến thương mại; một cử nhân Đại học Ngoại thương chuyên phụ trách mảng marketing. Đây là cánh tay phải của tôi nên mặc dù 2 năm qua ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hoạt động XK của HTX cơ bản vẫn ổn định. Bù vào những thị trường bị gián đoạn do dịch, chúng tôi đã tìm được những thị trường mới, có đơn hàng ổn định”- Ông Đỗ Văn Lừng cho biết thêm.
Trong quý 1/2022 giá trị XK toàn tỉnh đạt 62,2 triệu USD, đạt 100% kịch bản, bằng 22% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giúp XK hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt kết quả tích cực được lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng: một trong những yếu tố quan trọng là Việt Nam đã tận dụng được lợi ích đem lại từ các FTA. Tận dụng được những ưu thế, ưu đãi của các FTA là vấn đề được tỉnh Yên Bái cũng như các DN khá quan tâm, tạo đà tốt cho XK trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả các cơ hội của các FTA, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Đồng thời, khai thác các thông tin chế độ, chính sách mới về công thương, xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế… giúp DN triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm, mở rộng thị trường XK hàng hóa”.
Cùng đó, các DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...
Tỉnh cũng sẽ có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào các dự án sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và XK để kiểm soát được chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường XK.
Hồng Duyên