Cuối năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng tổ chức nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng mô hình "Sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ” cho 10 hộ dân tại thôn Thíp Dạo, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên trong gần 6 tháng triển khai với tổng kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 90% kinh phí theo dự toán (hệ thống thiết bị sấy và bảo quản, vật tư, hóa chất), các hộ nông dân tham gia đối ứng 10% kinh phí còn lại theo định mức.
Đây là mô hình ứng dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến có chế độ sấy được điều khiển, giám sát tự động nhằm nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến ván gỗ dán, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm gỗ chất lượng cao.
Với công suất sấy đạt 10 m3/8 giờ, sản phẩm cho ra được đánh giá đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, không bị cong vênh..., góp phần tăng sản lượng ván bóc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lên 20%, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với phương pháp truyền thống.
Mô hình trồng thử nghiệm 200 m2 khoai tây vụ xuân trên chân vàn cao đất ruộng 1 vụ với 3 giống: Lady rosetta, Bliss, Agroplant tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đã tìm ra giống cây trồng thích hợp để thâm canh tăng vụ, tránh để đất lãng phí. Kết quả mô hình cho thấy, giống Bliss sinh trưởng phát triển tốt, chịu hạn khá, củ đồng đều; giống Agropplant chịu hạn trung bình, xuất hiện kiến đỏ gây hại thời kỳ cuối và cho năng suất thấp hơn; giống Lady rosetta sinh trưởng kém và cho thu hoạch thấp.
Từ đó, ngành nông nghiệp đã đánh giá để phát triển khoai tây vụ xuân trên đất ruộng 1 vụ. Đó là ngoài lựa chọn giống, cần chọn chân đất phù hợp, đảm bảo nước tưới cho cây ở những giai đoạn quan trọng, nhất là thời kỳ nảy mầm và thời kỳ sinh trưởng mạnh.
Mô hình nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học với quy mô 74 con cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn 25 người dân xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải một cách làm mới trong chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, đàn bò tăng trọng tốt, trung bình đạt trên 700 g/con/ngày.
Có thể thấy, các mô hình triển khai trình diễn ngoài yếu tố chọn lọc cây giống, con giống, cách làm phù hợp mà còn đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao và khả năng áp dụng trong thực tế. Năm 2021, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng và triển khai 35 mô hình trình diễn. Trong đó có 26 mô hình trình diễn về giống lúa bằng các giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao (HD12, HDT10, HD11, KR1) tại 6/9 huyện, thị xã trong tỉnh.
Công tác khảo nghiệm giống lúa cũng được quan tâm triển khai nhằm đánh giá khách quan, chính xác và công nhận kịp thời giống cây trồng mới phù hợp với từng vùng.
Năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khảo nghiệm sản xuất giống lúa ST24, ST25 (tại huyện Văn Yên), bước đầu đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất đạt 50 tạ/ha, chất lượng gạo tốt. Tuy nhiên, ngành không đề xuất đưa vào sản xuất hàng hóa do khó khăn trong chế biến vì hạt thóc dài nên khi xay xát hạt gạo bị gãy, tỷ lệ hạt gạo nguyên chưa cao, chỉ đạt trên 50%.
Khảo nghiệm VCU (giá trị canh tác và sử dụng) và khảo nghiệm sản xuất giống lúa chịu hạn (tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên trên chân ruộng ít nước), bước đầu cũng cho kết quả tốt, năng suất đạt 45 tạ/ha. Năm 2022, sẽ tiếp tục triển khai trong vụ xuân tại thị xã Nghĩa Lộ, xã Đông Cuông (huyện Văn Yên) và huyện Mù Cang Chải (mùa sớm) để tiếp tục đánh giá khả năng thích nghi và năng suất.
Việc triển khai các mô hình, khảo nghiệm giống lúa đã đánh giá khách quan khả năng áp dụng vào thực tiễn, từ đó tác động tích cực đến nhận thức người nông dân, giúp họ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ canh tác.
Hoài Anh