Với việc khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, nền kinh tế đang có những dấu hiệu khởi sắc ngay trong những tháng đầu năm.
Từ đầu năm đến nay, hầu hết các thành viên trong hội đều có đơn hàng xuất khẩu tăng ít nhất từ 10 - 30% so với trước. Hiện, các doanh nghiệp nhận được đơn hàng tăng đều ở nhiều mặt hàng khác nhau, quy mô đặt hàng cũng rất đa dạng do nhu cầu hồi phục tiêu dùng ở từng thị trường xuất khẩu cũng rất khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã khôi phục mạnh mẽ trở lại sau mùa dịch bệnh COVID-19 và đang ổn định hoạt động sản xuất lấy đà tăng trưởng cho những tháng tới.
Dự kiến những tháng tới, các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tang sức cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng thành phố tạo thêm nhiều điều kiện về hỗ trợ lãi suất về vay vốn, giảm thuế, thuê đất cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn để họ tiếp cận các điều kiện tốt nhất nhằm khôi phục sản xuất.
Khả năng thích ứng linh hoạt và tinh thần khởi sự kinh doanh mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước, cùng với đó là hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã giúp cho tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4/2022 tiếp tục có những kết quả ấn tượng.
Theo đó, với 15.001 doanh nghiệp, tháng 4/2022 trở thành tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt kỷ lục từ trước đến nay (cao hơn mức trung bình 13.043 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 của giai đoạn 2017 - 2021). Cùng với 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021), số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 4/2022 cao gấp hơn 2 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Với liên tiếp 2 tháng lập kỷ lục, số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 là 49.591 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 là 30.919 doanh nghiệp, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021, cũng là mức kỷ lục về số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm, cao gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021 (15.506 doanh nghiệp). Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, trong đó, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực: Hoạt động dịch vụ (tăng 214,5%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 198,7%); bán buôn; bán lẻ (tăng 74,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 74,0%); Kinh doanh bất động sản (tăng 73,2%) và Giáo dục và đào tạo (tăng 67,4%). Với tốc độ tăng trưởng được dự báo, niềm tin về triển vọng kinh doanh gia tăng, tình hình doanh nghiệp những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Năm 2022, dù tình hình kinh tế đã bắt đầu khởi sắc nhưng bối cảnh kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức với nhiều yếu tố khó lường cả dịch bệnh lẫn tình hình phức tạp trên thế giới. Năm 2022 và có thể nhiều năm tới, Việt Nam xác định dịch bệnh chưa thể qua nhanh, tình hình chính trị thế giới được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức khó lường như xung đột quân sự, đối đầu giữa các nước lớn, lạm phát có thể gia tăng… do vậy bối cảnh bất ổn, khó dự báo luôn cần có phản ứng năng động, kịp thời của chính quyền.
"Điều đáng khích lệ là những chính sách của Nhà nước thời gian qua đã hỗ trợ rất lớn như: Giãn, hoãn thuế, miễn giảm nhiều khoản thu, không chuyển nhóm nợ với các khoản vay chưa trả được do khó khăn khách quan bởi dịch bệnh… Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi mà Quốc hội và Chính phủ vừa thông qua đầu năm 2022 hy vọng sẽ đi vào thực tiễn nhanh chóng, nhất là nhóm giải pháp liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Giai đoạn vừa qua Nhà nước cũng đã có các chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ người lao động đã phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động. Nhưng hơn lúc nào hết, qua đại dịch chúng ta thấy rằng cuộc sống của những người lao động tại các trung tâm công nghiệp đang quá tạm bợ, họ vẫn chưa thực sự bám rễ vào vùng đất mới. Cần có nhiều chính sách dài hạn về nhà ở, giáo dục, y tế, an sinh xã hội cho nguồn nhân lực quan trọng này”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
(Theo tintuc)