2021 là năm đầu triển khai, song với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp, kế hoạch trồng "1 tỷ cây xanh” theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ được triển khai sâu rộng với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh. Công tác trồng cây phân tán, trồng rừng mới tập trung đã có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tốt.
Theo đó, tỉnh đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, quy hoạch sử dụng đất; trong đó, xác định quỹ đất trồng mới rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất (nhất là trồng rừng gỗ lớn); đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất có thể trồng cây xanh nông thôn… từ đó, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn vốn. Diện tích đất thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải đảm bảo có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng.
Quỹ đất dự kiến trồng rừng, trồng cây phân tán phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, của địa phương và không tranh chấp. Về vốn, ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống, các địa phương, đơn vị đã tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Huyện Văn Chấn là địa phương tiêu biểu trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia trồng cây xanh. Giai đoạn 2021-2025, toàn huyện phấn đấu trồng 3,73 triệu cây xanh; trong đó, 3,4 triệu cây phân tán và trồng mới 150 ha rừng tập trung. Năm 2021, huyện đã trồng mới được 1.965.640 cây, bằng 295,1% kế hoạch tỉnh giao.
Để có được kết quả đó, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn; trong đó, phân khai và giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể đến từng xã, thị trấn làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành các nội dung kế hoạch đề ra.
Công tác rà soát, bố trí quỹ đất, lựa chọn cây giống, hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc cho đến việc huy động nguồn lực, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đơn vị, nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của rừng và cây xanh đều được triển khai đồng bộ. Việc chăm sóc, bảo vệ sau trồng cây cũng được đặc biệt quan tâm và gắn trách nhiệm, quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân.
Không chỉ có huyện Văn Chấn, thành phố Yên Bái cũng đã trồng được 209.275 cây xanh, bằng 104,64% kế hoạch; huyện Văn Yên với 802.100 cây, bằng 100,4% kế hoạch; huyện Trấn Yên trồng được 739.870 cây, bằng 114,89% kế hoạch... với tổng nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện là trên 23 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách nhà nước là 466,8 triệu đồng, vốn xã hội hóa trên 12 tỷ đồng, vốn khác trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế vẫn còn một số địa phương chưa hoàn thành đạt kế hoạch đề ra như: huyện Lục Yên đạt 84,6%, huyện Trạm Tấu đạt 79%; huyện Mù Cang Chải đạt 47%; huyện Yên Bình đạt 46,4% kế hoạch (do diện tích trồng rừng mới tập trung dự kiến trồng cây tràm bán ngập trên hồ Thác Bà nhưng dự án này chưa triển khai) hay thị xã Nghĩa Lộ chỉ trồng được 3.000 cây, đạt 1,5% kế hoạch, chủ yếu là cây phân tán (do quỹ đất trồng cây xanh trên địa bàn thị xã rất hạn chế, các tuyến đường giao thông cơ bản đã được trồng cây xanh đô thị).
Từ việc xác định nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, tỉnh cũng đã đề ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị để khắc phục trong thời gian tới, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng mới 32,822 triệu cây xanh, trong đó: 25 triệu cây phân tán, 7,822 triệu cây xanh trồng tập trung.
Hoài Anh