Theo nội dung Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2022 mới được Văn phòng Chính phủ phát đi, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các Bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác đã có dự án và nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quyết nghị tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ.
"Trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lý do và phương án xử lý phù hợp, khả thi, bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu, kế hoạch", nội dung Nghị quyết nêu rõ.
Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan truyền thông liên quan công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương, địa phương năm 2022, chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/3/2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong tháng 5/2022.
Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, TP.HCM trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 vùng TP.HCM.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng tài khoản tạm thu tại các ngân hàng thương mại để thực hiện thu phí, lệ phí nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
"Có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi việc gia tăng nợ xấu, sở hữu chéo của ngân hàng thương mại và cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và không để bị phá sản, đổ vỡ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, tài khóa; có giải pháp phục hồi hiệu quả và phát triển thị trường vốn mạnh mẽ, an toàn, bền vững, lành mạnh", Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh.
(Theo VOV)