Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch ngày 15.5 được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 68,7 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 700.000 đồng/lượng.
So với đóng cửa phiên giao tuần trước (8.5), giá vàng tại DOJI giảm 900.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 68,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 1 triệu đồng/lượng.
So với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (8.5), giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC giảm 1,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 950.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Nhà đầu tư trong nước tuần qua thua lỗ nặng nề. Cụ thể, nếu mua vàng tại Tập đoàn DOJI vào phiên 8.5 với giá 70,45 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên hôm nay 15.5, nhà đầu tư lỗ 1,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, người mua vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC thua lỗ 1,95 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch hôm nay niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.812,2 USD/oz, giảm gần 71 USD/oz so với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (8.5). Chỉ sau 3 tuần, giá vàng thế giới đã giảm tới 121 USD/oz.
Giới chuyên gia nhận định, giá vàng đang bị ảnh hưởng bởi áp lực bán kỹ thuật sau khi giảm xuống dưới mức hỗ trợ kim loại quý - 1.830 USD/oz. Kim loại quý này cũng chịu tác động của đồng đôla Mỹ cao hơn. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex cuối cùng ở mức 1.809,90 USD/oz, giảm hơn 70 USD trong tuần.
Theo nhận định trong một bài viết trên Kitco News, vào tuần tới, nếu ngưỡng kháng cự quan trọng 1.800 USD bị phá vỡ, vàng có nguy cơ bị bán tháo mạnh hơn.
Các nhà giao dịch nên mở rộng phạm vi giao dịch đối với vàng trong ngắn hạn do sự biến động liên tục trên tất cả các thị trường.
Theo dữ liệu mà Mỹ vừa công bố, CPI của nước này trong tháng 4 đã tăng 8,3% so với ngoái. Dù giảm nhẹ so với mức đỉnh hồi tháng 3 là 8,5% nhưng lạm phát vẫn ở gần mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Lạm phát "nóng" đang có tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Theo khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ), tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm vì họ cho rằng giờ là thời điểm tồi tệ khi mua sắm hàng hóa.
Đây là những thông tin rất có lợi cho vàng. Thế nhưng kim loại quý đang nối dài chuỗi giảm sâu nhiều tuần. Nguyên nhân một phần được cho là bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra quyết định có tác động lớn. Dù gặp nhiều chỉ trích, Fed vẫn bảo lưu quan điểm về lãi suất. Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ nâng lãi suất 6 lần trong năm nay và 4 lần vào năm 2023 với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Hiện kim loại quý đang đối mặt với 2 áp lực lớn là đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao. Vì trái phiếu cạnh tranh với vàng như tài sản trú ẩn an toàn khi bất ổn gia tăng.
Đồng thời, lập trường chính sách tiền tệ của Fed đang hỗ trợ đà tăng của đồng USD khi chỉ số USD-Index ở mức cao nhất trong 20 năm, đạt 104 điểm.
(Theo LĐ)