Với mục tiêu chuyển giao các giống trám trắng, trám đen và kỹ thuật lâm sinh bằng cây ghép nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của cây trám đồng thời tạo thu nhập thường xuyên, ổn định cho người dân làm nghề rừng, nhân rộng được các giống cây trám bằng cây ghép ra sản xuất, Trường Đại học Lâm nghiệp chủ trì thực hiện "Xây dựng mô hình trồng thâm canh trám bằng cây ghép” tại tỉnh Yên Bái. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là cơ quan chủ quản Dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát quá trình thực hiện của đơn vị chủ trì.
Năm 2021, mô hình trồng thâm canh trám bằng cây ghép được triển khai thực hiện với diện tích 5 ha, có 5 hộ tham gia tại thôn Khe Phưa, xã Minh An, huyện Văn Chấn. Toàn bộ cây giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh hại đã tiến hành cung cấp đủ số lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến các hộ dân tham gia mô hình.
Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 năm qua diễn biến phức tạp nhưng việc tập huấn kỹ thuật vẫn được thực hiện bằng hình thức phù hợp. Đặc biệt, trong quá trình tập huấn, Dự án tiến hành kết nối Zalo và hỗ trợ giảng viên tại hiện trường, kết hợp lý thuyết và thực hành. Các hộ dân đã tiến hành trồng cây giống từ tháng 9 - 10 năm 2021.
Đến thời điểm cuối năm 2021, sau khi trồng dặm, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Cây trám sinh trưởng và phát triển bình thường, tỷ lệ trên 60% đã ra 1 đợt chồi mới. Sâu ăn lá, mối hại cây xuất hiện đã được xử lý kịp thời.
Sau khi trồng cây trám, cán bộ Dự án và UBND xã Minh An thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời nhắc nhở các hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ cây trồng như phủ rơm khô, rơm rạ vào gốc cây để chống rét.
Trước đó, năm 2020, Dự án cũng đã thực hiện mô hình trồng thâm canh trám bằng cây ghép 5 ha tại xã Minh An. Trong năm 2021, đối với mô hình trồng năm 2020, Dự án tiếp tục chăm sóc, rẫy cỏ, vun gốc, bón phân 2 lần; thực hiện phát cỏ, cây bụi xung quanh gốc cây, theo băng, không đốt; cuốc xới xung quanh gốc, lấp đất và dùng cỏ cây phát che phủ gốc.
Đặc biệt, việc bảo vệ mô hình chú trọng tránh trâu, bò phá hoại và phòng, chống cháy rừng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Cây trám trồng năm 2020 sinh trưởng và phát triển khá tốt với tỷ lệ sống đạt trên 95%, chiều cao trung bình là 1,3 mét, đường kính gốc trung bình 2,5 cm, trong đó chiều cao lớn nhất là 2,2 mét, đường kính gốc lớn nhất là 5 cm.
Ông Hoàng Trọng Nguyên ở thôn Đồng Thập, xã Minh An là hộ tham gia mô hình trồng cây trám ghép năm 2020. Hiện nay, cây trám ghép ông trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đã ra hoa 2 lần, hoa sai nhưng theo đúng quy trình kỹ thuật thì đến năm thứ 3 mới được để quả bói.
Ông Nguyên chia sẻ: "Trồng cây trám ghép không khó, chúng tôi đã được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, cụ thể, kỹ lưỡng. Thực hiện trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, giờ chúng tôi chỉ còn chờ mong xem cây bói quả thế nào”.
Vài năm gần đây, quả trám xanh bán được giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, trám đen là 80.000 - 100.000 đồng/kg ngay tại chợ xã Minh An. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ quả trám của người dân địa phương không nhiều mà chủ yếu là các thương lái gom hàng đi xuôi. Quả trám được dùng để kho cá, kho thịt, thổi xôi…
Những năm gần đây, nhu cầu thu mua quả trám đem về xuôi ngày càng tăng nên việc đưa cây trám về trồng tại đây nếu đạt mục tiêu đề ra thì chắc chắn người trồng rừng sẽ có thêm một nguồn thu nhập.
Với những kinh nghiệm rút ra từ trồng cây trám ghép năm 2020 và 2021 ở xã Minh An, huyện Văn Chấn là cơ sở quan trọng để năm 2022, mô hình tiếp tục triển khai 4 ha tại xã Nà Hẩu, 1 ha tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Nguyễn Thơm