Với hơn 7.000 m2 dâu nuôi tằm, hàng năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thân ở thôn Đồng Sâm thu về trên 1,5 tấn kén và thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ông Thân, nhiều hộ cùng thôn như: bà Trần Thị Nga, ông Trần Văn Toản, Trần Trường Giang, Nguyễn Văn Tuấn… cũng là những điển hình phát triển kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm.
Xã Báo Đáp hiện có trên 300 hộ trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích dâu trên 135 ha, tập trung nhiều ở các thôn: Đồng Sâm, Đồng Danh, Đồng Ghềnh, Đồng Bưởi. Xã cũng đã thành lập được 5 hợp tác xã với 25 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm và năm 2021, nhân dân nuôi được trên 300 vòng tằm, sản lượng kén trên 209 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 25 tỷ đồng.
Cùng với trồng dâu nuôi tằm, từ năm 2020, nhiều hộ trong xã đưa cây lá khôi (khôi nhung) vào trồng và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Bá Lũy ở thôn Đồng Bưởi cho biết: "Năm 2021, gia đình tôi trồng hơn 1 ha khôi nhung. Cây khôi nhung dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đồi rừng lại cho thu hoạch sớm, giá trị đạt hơn 200 triệu đồng/ha”. Từ một hộ trồng, đến nay, xã có nhiều hộ trồng loại cây này với tổng diện tích trên 10 ha. Theo lãnh đạo xã, thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng diện tích trồng khôi nhung, bởi đây là loại cây đã, đang trở thành cây trồng hàng hóa giúp người dân xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Ngoài trồng dâu, nuôi tằm, trồng cây khôi nhung, xã còn thành công trong việc tuyên truyền, chỉ đạo người dân phát triển nghề ươm quế giống. Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đối với diện tích đất đồi và đất vườn tạp, chúng tôi vận động người dân chủ động cải tạo để làm vườn ươm. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại cây, con; trong đó, có kỹ thuật về trồng, chăm sóc quế giống nên số lượng người dân tham gia làm vườn ươm quế ngày càng nhiều”.
Nhờ chất lượng cây quế giống đảm bảo, nên đến nay, Báo Đáp trở thành địa chỉ tin cậy không những cho khách hàng trong tỉnh mà còn vươn đến các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An... Đến nay, xã có hơn 200 hộ làm nghề ươm quế giống với tổng diện tích 70 ha, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 60 triệu đồng/sào/năm.
Ông Vi Việt Trung - Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp cho biết: để đạt được những kết quả trên, những năm qua, xã tập trung chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết phát triển kinh tế. Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi giá trị theo hướng toàn diện, bền vững, có chất lượng, an toàn và hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và tiếp tục thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất như: sản phẩm kén tằm, ươm giống cây lâm nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Công ty Dâu tằm tơ miền Bắc xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn xã nhằm giải quyết việc làm tại chỗ; tiếp tục vận động nhân dân trồng dâu nuôi tằm trong vùng quy hoạch, chăm sóc tốt diện tích dâu hiện có, nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng.
Với các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh, phát huy thế mạnh địa phương, đời sống nhân dân xã Báo Đáp không ngừng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%; an ninh chính trị được giữ vững… Đó là tiền đề quan trọng để Báo Đáp thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm 2020 - 2025 đề ra; trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Văn Tuấn