Chiều 23/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền Thủ tướng, báo cáo trước Quốc hội quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Theo đó, tổng thu ngân sách sau cân đối là gần 2,28 triệu tỷ đồng, gồm thu theo dự toán hơn 1,51 triệu tỷ đồng; còn lại là các khoản chuyển nguồn, thu kết dư và khoản thu từ quỹ dự trữ tài chính.
Tổng chi cân đối ngân sách hơn 2,53 triệu tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, còn lại là khoản chi chuyển nguồn sang 2021.
Sau cân đối, mức bội chi ngân sách là hơn 216.405 tỷ đồng (gần 9,3 tỷ USD), tương đương 3,44% GDP. Mức thâm hụt ngân sách này thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội cho phép điều chỉnh (368.300 tỷ đồng - khoảng 5,41% GDP).
Kiểm toán quyết toán thu chi năm 2020 của Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, việc lập dự toán thu ngân sách chưa sát với khả năng nguồn thu, nhất là thu từ tiền sử dụng đất, dẫn tới dự toán chỉ bằng 72% so với thực hiện. Hay dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa sát, nên số phải hoàn vượt kế hoạch.
Về chi cho đầu tư phát triển, theo Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ cũng phải điều chỉnh kế hoạch vốn tới 3 lần. Còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, chưa phù hợp quy định, chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Tương tự, dự toán chi thường xuyên cũng có tình trạng giao, phân bổ khi chưa đủ cơ sở, không phân bổ hết dự toán.
Cũng theo ông Thanh, thu ngân sách còn hạn chế, như một số khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều hụt. Khoản thu từ các doanh nghiệp nhà nước thấp hơn dự toán, chỉ đạt hơn 37%.
Nợ thuế đến cuối năm 2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63%, chủ yếu nhờ khoanh nợ thuế và xóa nợ. Nợ thuế quá hạn là 7.115 tỷ đồng, tăng 1%.
Về chi ngân sách, ông Thanh đánh giá một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ vốn nước ngoài thấp, làm giảm hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài. Quyết toán chi thường xuyên ở một số khoản chi sự nghiệp từ ngân sách trung ương có tỷ lệ thực hiện thấp, nhất là chi bảo vệ môi trường...
Ông Thanh cũng cho biết, nợ công năm 2020 là hơn 3,52 triệu tỷ đồng, bằng 55,94% GDP. Mức này dưới trần 65% GDP Quốc hội cho phép, nhưng lại tăng khoảng 6% so với 2019.
Với mức nợ công này, theo Tổng kiểm toán Nhà nước, bình quân nợ công đầu người là 35,1 triệu đồng một người.
Tức là, năm 2020 mỗi người dân gánh 35,1 triệu đồng nợ công. Xu hướng này, theo Kiểm toán Nhà nước, tăng so với năm 2018 và 2019 lần lượt là 3,4 triệu đồng và 1,5 triệu đồng.
Còn nhiều tồn tại trong lập dự toán, thực hiện thu - chi ngân sách, nhưng Kiểm toán Nhà nước đồng ý với mức phương án quyết toán ngân sách 2020 mà Chính phủ đưa ra.
Uỷ ban Tài chính ngân sách sau thẩm tra cũng đồng ý kiến nghị Quốc hội quyết toán ngân sách 2020 như Chính phủ trình. Nhưng bà Nguyễn Phú Hà, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách, cơ quan thẩm tra, đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm về đánh giá tình hình thực hiện thu chi. Theo bà, khi còn 2 tháng hết niên độ ngân sách vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi thêm 133.500 tỷ đồng, nhưng thực tế lại thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cũng cần quản lý chặt các khoản vốn vay; các khoản tạm ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm bội chi ngân sách trung ương, vay nợ Chính phủ và giảm chi phí trả lãi vay.
(Theo VnExpress)