Sản phẩm OCOP đóng góp lớn vào chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân.
Chỉ sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương, nhất là các sản phẩm đặc sản vùng, miền phát triển mạnh, tạo giá trị gia tăng.
Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái lại có khá nhiều đặc sản mang tính vùng miền và nhiều sản vật đặc sản. Bên cạnh đó là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, DN, hợp tác xã, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của nông dân; do vậy, ngay trong năm đầu triển khai Chương trình OCOP, từ chỗ người dân không biết sản phẩm OCOP là gì thì ngay trong năm đó đã sản xuất, phát triển được 8 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên gồm: miến đao Giới Phiên; chè Shan tuyết Suối Giàng; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên Trấn Yên; bưởi Đại Minh; quế điếu Trấn Yên; nước lau sàn tinh dầu quế Văn Yên và nước rửa chén tinh dầu quế Văn Yên.
Từ những kết quả đó, năm 2020 đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng với 86 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid -19, do vậy tỉnh chỉ đặt mục tiêu phát triển 35 sản phẩm.
Song, với sự nỗ lực của các địa phương, nhất là các chủ thể sản xuất đã xây dựng, phát triển được 59 sản phẩm OCOP gồm: 47 sản phẩm đạt 3 sao và 12 sản phẩm đạt 4 sao, đạt 168,6% chỉ tiêu giao. Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh có 140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao, 120 sản phẩm đạt 3 sao.
Giờ đây, các sản phẩm: gạo Chiêm hương (Văn Yên); cam, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn); tinh dầu quế hữu cơ, măng tre Bát độ (Trấn Yên); cam (Lục Yên); cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, chè Hương Lý (Yên Bình); rượu Bách chi (thị xã Nghĩa Lộ); trà táo mèo Shan Thịnh (Văn Chấn)… không chỉ được chuẩn hóa với bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng tốt, thông tin chỉ dẫn địa lý cụ thể… mà ngày càng chiếm lĩnh, chinh phục được thị trường, niềm tin người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Trước đây, khi chưa thực hiện OCOP, các sản phẩm hàng hóa sản xuất theo phong trào, tự phát, nên rất khó tiêu thụ, giá trị thấp, nhưng nay đã có hàng chục sản phẩm vào được hệ thống siêu thị lớn như: BigC Hà Nội, Vinmart và lên sàn thương mại điện tử…
Trong đó, những sản phẩm: tinh dầu quế Đào Thịnh; chè Bát tiên Nga Quán; nước uống đóng chai Vân Hội; sản phẩm bộ quế gia vị Hòa Cuông; thanh long ruột đỏ Minh Quân; nước uống đóng chai Aqua Việt Cường, huyện Trấn Yên... là những sản phẩm đang chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng Yên Bái. Các chủ thể của sản phẩm OCOP đã có những cách làm rất bài bản, đúng quy trình theo hướng phát triển bền vững.
Điển hình như Bạch Hà - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Bình, với 154 ha ruộng nước nhưng bà con đã đưa vào sản xuất lúa đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50 ha. Đồng thời, đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà”; được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, đã giúp đưa sản phẩm gạo Bạch Hà tiêu thụ dễ dàng và giá trị cao gấp 1,5 so với sản xuất lúa thường. Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên có 153,8 ha chè.
Ngoài việc cải tạo giống chè già cỗi bằng giống chè Bát tiên, LDP1, LDP2 để chế biến chè xanh, người dân còn áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, chè VietGAP và chè Bảo Hưng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao... Nhờ vậy, thu nhập, đời sống của người trồng chè được nâng cao.
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã có những chuyển biến tích cực, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo việc làm phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chương trình OCOP đã xây dựng được thương hiệu, định vị giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững hơn nữa, tỉnh đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025 định hướng đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chuyển đổi từ xúc tiến thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, trực tuyến, trên các nền tảng số phù hợp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản vùng và địa phương. Tham gia kết nối giao thương giữa nhà cung cấp và DN xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn Alibaba.com…
Đồng thời, ngành nông nghiệp quy hoạch và phát triển cũng như mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất chế biến với khối lượng hàng hóa lớn... Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các chủ thể kinh tế phải thật sự tâm huyết, nỗ lực khắc phục những hạn chế trong tổ chức, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, từng bước xuất khẩu.
Thanh Phúc