Với địa bàn rộng, Văn Chấn có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp; trong đó, phát triển cây ăn quả đã trở thành một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Với sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 13.000 tấn (cam, quýt trên 8.500 tấn), cây ăn quả đã mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm thu nhập ổn định cho hàng vạn hộ dân. Tuy nhiên, cơ cấu, chủng loại cây ăn quả ở Văn Chấn vẫn chưa thực sự đa dạng. Hiện nay, vùng ngoài chủ yếu tập trung sản xuất cây ăn quả có múi, khu vực trung tâm chủ yếu là nhãn, trong khi vùng cao chưa có diện tích cây ăn quả đáng kể.
Thế nhưng, thực tế những năm qua, việc phát triển cây ăn quả luôn đặt ra cho người dân Văn Chấn những thách thức về thời tiết, dịch bệnh và biến động của giá cả, thị trường. Giai đoạn 2005 - 2010, dịch bệnh vàng lá, thối rễ khiến hầu hết diện tích cam ở các xã như Nghĩa Tâm, Minh An bị xóa sổ.
Giai đoạn này chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về thị trường long nhãn, nhiều vườn nhãn cũng bị đốn hạ. Trước những khó khăn về dịch bệnh, thị trường, các cấp chính quyền và người dân Văn Chấn đã nhìn nhận đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.
Nhiều biện pháp căn cơ, áp dụng những quy trình cải tạo, trồng mới, lai, ghép với cơ cấu giống đa dạng đã dần hồi sinh những vùng cam, vùng nhãn. Chất lượng quả tươi cùng các chủng loại quả được thu hoạch rải vụ đã nâng cao chất lượng, giá trị và sản lượng các sản phẩm cây ăn quả chủ lực của huyện. Năm 2015, sản phẩm cam quả đã được chứng nhận nhãn hiệu cam Văn Chấn. Sản phẩm cam quả dần khẳng định được chất lượng được khách hàng biết đến và đánh giá cao.
Tuy nhiên, việc phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung đã đặt ra những thách thức mới. Dịch bệnh vàng lá, thối rễ trong vài năm gần đây đã lấy đi của nhân dân Văn Chấn mấy trăm héc-ta cam, quýt, nhiều diện tích vẫn còn đang trong tình trạng sống dở, chết dở.
Tuy các nhà khoa học cùng nhân dân đã nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân nhưng vẫn chưa có biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Cùng với những tác động của thị trường khiến nông dân được mùa, mất giá đang là bài toán đặt ra cho việc lựa chọn cơ cấu cây ăn quả hợp lý.
Trong cơn bão dịch bệnh vàng lá, thối rễ, thị trấn Nông trường Trần Phú là địa phương thiệt hại nặng nề nhất ở huyện Văn Chấn với trên 50% diện tích cam, quýt đã bị xóa sổ, nhiều diện tích khác đã bị nhiễm bệnh chưa thể hồi phục.
Để hỗ trợ giúp nhân dân có hướng chuyển đổi cây trồng, có nguồn thu nhập ổn định, chính quyền địa phương đã tìm hiểu một số mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả như: mô hình trồng hồng xiêm, có thể đạt 500 triệu đồng/ha, mô hình trồng ớt xanh, trồng lựu đỏ, trồng táo giá trị có thể đạt 300 triệu đồng/ha. Tìm được cây trồng phù hợp, giá trị tương đương với cây ăn quả có múi nhưng đó mới ở dạng mô hình. Hiện nay, các sản phẩm này đều mới, khi ở dạng mô hình được bao tiêu sản phẩm nên cơ bản thuận lợi. Khi mở rộng diện tích, chưa có thị trường tiềm năng nên người dân vẫn chưa thực sự yên tâm.
Xác định cây ăn quả là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Văn Chấn đã rà soát, đánh giá lại các đề án, chương trình hỗ trợ, thống kê số lượng, diện tích cây ăn quả bị chết để có hướng chuyển đổi phù hợp.
Hiện nay, huyện đang triển khai hỗ trợ nhân dân các mô hình điểm về trồng cây na dai, lê đen và mắc ca. Đây là các loài cây có giá trị cao, khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của nhân dân khu vực vùng cao. Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, hỗ trợ lai, ghép, cải tạo các diện tích cây ăn quả già cỗi, sâu bệnh, phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả đạt 3.300 ha.
Ông Phan Nguyên Bình - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn chia sẻ: "Trên cơ sở đánh giá quá trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả giai đoạn vừa qua, Phòng đã tham mưu với huyện tiếp tục xây dựng các mô hình điểm. Các mô hình hỗ trợ sẽ được lựa chọn với quy mô, địa điểm phù hợp hạn chế việc hỗ trợ dàn trải để có được mô hình thực sự hiệu quả giúp nhân dân nhìn nhận đánh giá, rút kinh nghiệm và làm theo.
Chúng tôi đã quy hoạch vùng sản xuất, tham mưu với huyện về cơ câu cây trồng phù hợp cho các khu vực, thúc đẩy liên kết vùng để tạo ra số lượng sản lượng lớn, chất lượng đồng đều để đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm cây ăn quả chủ lực, hướng dẫn nhân dân các phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, sản xuất hoa quả sạch để đáp ứng yêu cầu thị trường”.
Có thể thấy, cùng với cây chè, cây ăn quả là một trong những cây trồng tạo việc làm mang lại thu nhập đáng kể cho nhân dân Văn Chấn. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả ở Văn Chấn vẫn tương đối biệt lập, sản lượng, chủng loại quả tươi chưa đủ đáp ứng để xây dựng một cơ sở chế biến cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc liên kết vùng, liên kết sản xuất sẽ là chìa khóa cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Đặc biệt, việc trồng mới, trồng cải tạo các diện tích cây ăn quả cần tuân thủ chặt chẽ quy trình chọn giống, kỹ thuật làm đất đến quá trình thâm canh chăm sóc. Lựa chọn cây trồng áp dụng quy trình chăm sóc hợp lý cùng những thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm là điều kiện cơ bản trong phát triển bền vững cây ăn quả ở huyện Văn Chấn nói chung.
Trần Van