Nỗ lực ngay từ đầu năm
Thu từ tiền sử dụng đất là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước (NSNN) và cũng là nguồn lực tài chính quan trọng để tăng nguồn chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2022, tổng thu từ tiền sử dụng, tiền thuê đất trả tiền một lần theo kế hoạch được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 2776 ngày 07/12/2021, bao gồm cả khối tỉnh và khối huyện là 1.987 tỷ đồng; trong đó, tiền sử dụng đất là 1.837 tỷ đồng, tiền thuê đất trả tiền một lần là 150 tỷ đồng, (khối tỉnh là 936 tỷ đồng, khối huyện là 1.051 tỷ đồng).
Theo Kế hoạch 51 ngày 09/3/2022 của UBND tỉnh thì số thu dự kiến, trong năm 2022 là 2.508,4 tỷ đồng; trong đó, khối tỉnh 1.431,5 tỷ đồng (tiền sử dụng đất là 1.251,2 tỷ đồng, tiền thuê đất 180,3 tỷ đồng), khối huyện 1.076,8 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đối với sự phát triển KTXH thì nguồn thu từ đất là điểm sáng của địa phương.
Tính đến ngày 17/5/2022, tổng thu từ tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền một lần là 541,3 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch, đã nộp NSNN là 479,1 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch. Trong đó, khối huyện đã thực hiện là 412,4 tỷ đồng, bằng 39,2% kế hoạch, đã nộp NSNN là 364,9 tỷ đồng, bằng 34,7% kế hoạch; khối tỉnh đã thực hiện 128,8 tỷ đồng, đạt 13,8% kế hoạch, tổng số tiền đã nộp NSNN là 114,1 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch năm.
Theo lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch số 51 ngày 09/3/2022 của UBND tỉnh, đối với khối tỉnh số thu dự kiến trong năm 2022 là 1.431,5 tỷ đồng; trong đó, kịch bản thu quý I là 149,2 tỷ đồng; quý II là 172,3 tỷ đồng; quý III là 465,5 tỷ đồng và quý IV là 644,5 tỷ đồng. Dự ước số thu khối tỉnh đến hết 30/6 đạt khoảng 180,8 tỷ đồng (theo kế hoạch số 51 thì số tiền dự kiến thực hiện đến hết quý II là 321,5 tỷ đồng). Như vậy, số thu có khả năng thực hiện hết quý II thấp hơn so với kế hoạch là 140,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân thu thấp là do các quỹ đất dự kiến có số thu trong quý II như: khu đô thị Bách Lẫm A (60 tỷ đồng), khu đô thị thị trấn Mậu A (80 tỷ đồng) do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nên không kịp thực hiện theo kế hoạch phải điều chỉnh thực hiện trong quý III.
Cùng đó, các ngành chức năng đang tiếp tục triển khai quỹ đất để thu trong quý II là quỹ đất thu hồi Nhà máy sắn Minh Quang, dự kiến 30 tỷ đồng; quỹ đất tại khu 3, điểm 3C, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái dự kiến 12 tỷ đồng; thu tiền thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuế của Công ty NEW VVANLI dự kiến 10 tỷ đồng. Các quỹ đất dự kiến triển khai thực hiện thu trong quý IIIlà dự án khu đô thị Bách Lẫm A (giai đoạn 2) dự kiến 60 tỷ đồng; dự án khu đô thị Bách Lẫm B (giai đoạn 2) dự kiến 40 tỷ đồng; dự án xây dựng khu đô thị mới thị trấn Mậu A dự kiến 120 tỷ đồng...
Ông Chu Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái chia sẻ: Để tổ chức triển khai thực hiện phát triển quỹ đất thu NSNN theo kế hoạch được giao, đơn vị đã triển khai thực hiện phối hợp với cơ quan thuế đôn đốc thu nợ các quỹ đất đã đến hạn nộp; hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án, phối hợp với hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án và hoàn thành GPMB để tổ chức đấu giá.
Linh hoạt điều chỉnh, bổ sung các dự án không nằm trong kế hoạch thu của năm 2022 như Dự án xây dựng khu đô thị mới tại phường Yên Ninh (khu cầu Bảo Lương); quỹ đất khu 3 (điểm 3C) tại xã Văn Phúthay thế các dự án còn vướng mắc, bù vào nguồn thu hụt trong kế hoạch; tập trung hoàn thành công tác đo đạc lập hồ sơ, bản đồ thu hồi đất trong quỹ II/2022 đối với các dự án như dự án xây dựng khu dân cư nông thôn mới (khu vực nút giao IC14) xã An Thịnh, huyện Văn Yên; Dự án xây dựng khu dân cư nông thôn mới (phát triển quỹ đất dọc hai bên đường quốc lộ 32C nối đường Âu Cơ, đoạn từ cầu Ngòi Đong giao ngã tư quốc lộ 37, quốc lộ 32C nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để bàn giao cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các địa phương thực hiện công tác bồi thường, GPMB.
Cần nỗ lực hơn để "gỡ vướng"
Việc tháo gỡ các vướng mắc về đất đai hiện nay ở Yên Bái không chỉ giúp khơi thông nguồn lực đầu tư từ hàng trăm dự án, mà còn giúp tăng nguồn thu cho địa phương. Một số quỹ đất có dự kiến thu trong quý II, tuy nhiên, hiện còn vướng mắc trong GPMB nên không kịp thu theo kế hoạch.
Cụ thể, dự án khu đô thị Bách Lẫm A (giai đoạn 2) tổng diện tích thu hồi 8,91 ha, có 85 hộ gia đình, 1 tổ chức bị ảnh hưởng, các đơn vị chức năng đã phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ cho 79 hộ và 1 tổ chức; đã chi tiền bồi thường được 69 hộ và 1 tổ chức, còn lại 10 hộ; trong đó, có 6 hộ không nhận tiền bồi thường và 4 hộ đang làm thủ tục ứng vốn...
Qua tìm hiểu được biết, đối với 6 hộ không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ có hộ ông Đông chưa nhận kinh phí do thửa đất được cấp giấy chứng nhận là đất lúa mang tên ông Nguyễn Văn Sinh và ông Sinh tặng cho ông Đông ngày 06/01/2017, ông Đông đã chuyển đổi từ đất lúa sang ao không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Do vậy, ông Đông không nhất trí với bồi thường, hỗ trợ của cơ quan chức năng; còn 3 hộ: ông Tâm, bà Hoa, ông Bình chưa nhận kinh phí vì lý do giá vật kiến trúc thấp; 1 hộ là ông Khanh chưa nhận kinh phí với lý do giá đất nông nghiệp thấp và đề nghị được bồi thường là đất ở; 1 hộ là ông Tưởng chưa nhận kinh phí do giá đất nông nghiệp thấp và đề nghị để lại phần diện tích còn lại.
Đối với khu đô thị thị trấn Mậu A, tổng diện tích bị thu hồi 9,6 ha, có 115 hộ gia đình và 3 tổ chức, hiện còn 9 hộ chưa nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ; trong đó, có 6 hộ có đất ở và 3 hộ có đất nông nghiệp; 4 hộ còn vướng mắc chưa cho kiểm kê (vướng mắc về nguồn gốc đất).
Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hầu hết tại các dự án khi thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính thu hồi đất và công tác kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền trên đất thì còn có một số người sử dụng đất không cho đo đạc, kiểm đếm; không cung cấp giấy tờ liên quan đến thửa đất phải thu hồi; không ký nhận kết quả kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền trên đất; không chấp thuận đơn giá bồi thường về đất, tài sản trên đất và không chấp thuận vị trí, giá đất tái định cư... nên phải thực hiện biện pháp cưỡng chế, kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thu hồi đất.
Do đó, thời gian thực hiện bị kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ của dự án; cán bộ làm công tác GPMB của huyện, thành phố, thị xã, phải thực hiện nhiều công trình GPMB của tỉnh, của huyện nên việc tập trung thực hiện nhiệm vụ có thời điểm chưa theo kế hoạch; không có nguồn kinh phí để ứng trước 2% để chi trả cho việc mua sắm vật tư, văn phòng phẩm, công làm ngoài giờ... của các tổ chuyên trách đi thực hiện nhiệm vụ GPMB tại các dự án trên địa bàn các địa phương, cán bộ, viên chức làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ, ngày lễ nhiều nhưng không có kinh phí để thanh toán.
Đối với các quỹ đất thu hồi trụ sở của các cơ quan đơn vị, đến nay chưa có phương án xử lý tài sản, bàn giao đất cho đơn vị để tổ chức thực hiện...
Để hoàn thành mục tiêu thu 1.431,5 tỷ đồng từ nguồn sử dụng đất (khối tỉnh) trong năm 2022, sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ trong việc lập, thẩm định các hồ sơ phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh như: chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định dự án đầu tư; thẩm định quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, thẩm định giá đất...
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho các dự án ngay sau khi hoàn thành GPMB như: chuyển mục đích sử dụng đất, trình phê duyệt phương án đấu giá, quyết định đấu giá, giá đất cụ thể, lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá.
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh trong việc đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá, giao đất tái định cư, thuê đất trả tiền một lần, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công tác xây dựng hạ tầng các quỹ đất bảo đảm điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá.
Rà soát các doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, vận động chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê để bù số thu của các quỹ đất khó có khả năng thu trong năm 2022; phối húp với UBND, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân còn vướng mắc trong GPMB, thực hiện chi trả kinh phí bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân theo quyết định được phê duyệt.
Quang Thiều