Phó thủ tướng cho biết trong 5 tháng đầu năm 2022, dù khó khăn do dịch bệnh, thiên tai nhưng ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực đều tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỉ USD, tăng 16,8%.
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí, thương hiệu trên thị trường quốc tế như: xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%; xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt gần 2 tỉ USD, tăng 54%; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỉ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỉ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỉ USD, tăng 6,9%.
Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, dù sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng nhưng việc xuất khẩu khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao.
"Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát", ông cho hay.
Nền nông nghiệp cũng chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp... nên ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn thấp, chỉ bằng 50-60% của các nước tiên tiến trong khu vực.
Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%. Năm 2021, nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu gần 10 tỉ USD, trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Phân bón nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu, năm 2021 nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn, giá trị 1,4 tỉ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.
Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng được mùa mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hằng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội.
Nói về giải pháp sắp tới, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ sẽ rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.
Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…
"Với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường sẽ góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu", ông Thành nói rõ.
Chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết sắp tới Chính phủ sẽ có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Cùng với đó tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai và xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai. Hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương.
(Theo TTO)