Sau hơn 12 năm thực hiện, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, xã hội, góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng (NTD) dần chuyển từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt nói chung và các sản phẩm "made in” Yên Bái nói riêng thì cần quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp (DN) trong nước. Thị trường Yên Bái cũng chứng kiến sự lên ngôi của hàng Việt khi các nhãn hàng sản xuất trong nước, các sản phẩm "Made in Yên Bái” chiếm lĩnh phần lớn thị trường và đáp ứng nhu cầu mua sắm của NTD từ cao cấp đến bình dân.
Chị Nguyễn Lan Anh - chủ cửa hàng kinh doanh trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Hiện, trong cơ cấu hàng hóa phục vụ NTD của cửa hàng có trên 90% là hàng Việt. Hàng hóa trong nước đều rõ ràng về xuất xứ, minh bạch về giá cả và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Tại các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi của Winmart cũng có hơn 80% kệ hàng để trưng bày, kinh doanh hàng Việt. Nhiều sản phẩm gắn nhãn OCOP không chỉ được trưng bày tại các điểm du lịch, các hội chợ, triển lãm, mà đã có mặt trên các kệ hàng siêu thị, chuỗi cửa hàng, cửa hàng tạp hóa và các chợ truyền thống; trong đó, một số sản phẩm "made in Yên Bái” cũng đón nhận sự quan tâm của NTD.
Đặc biệt, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động trong hệ thống ngành, đến đông đảo nhân dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) đẩy mạnh SXKD, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao có giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài tỉnh; đồng thời, tập trung tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sắc của Yên Bái tại các phiên chợ, hội chợ thương mại… nhằm đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng, xã hội và góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Tuy nhiên, với góc nhìn của một NTD, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, các sản phẩm trong nước, trong tỉnh có thương hiệu đều đã chú trọng đổi mới mẫu mã, bao bì theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và NTD nhưng số lượng các sản phẩm này nhìn chung vẫn còn khiêm tốn.
Tại thị trường Yên Bái, nhiều sản phẩm Việt, nhất là các sản phẩm về thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói... nhìn chung vẫn chưa hấp dẫn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập ngoại.
Bên cạnh đó, ngoài một số sản phẩm OCOP như: gạo nếp Tan Tú Lệ, chè xanh Suối Giàng, miến đao Giới Phiên, cá sấy hồ Thác Bà... đã phần nào được NTD đón nhận thì một số sản phẩm sau khi được công nhận, các chủ thể DN, hợp tác xã không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường, chưa quan tâm đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến, cải tiến bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất.
Cùng đó, nhiều chủ thể chưa chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại; chưa đa dạng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là áp dụng thương mại điện tử; dẫn đến, chưa được NTD biết đến giá trị, sản phẩm sụt giảm, mất lợi thế cạnh tranh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực, nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ đầu tư vào thị trường nội địa, góp phần làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng, giá thành cạnh tranh. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc các DN, nhà sản xuất trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà.
Vì vậy, để NTD từ ưu tiên đến tin dùng hàng Việt cũng như triển khai tốt CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh cần phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả, đa dạng các hình thức tuyên truyền về CVĐ trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục khuyến khích các DN, cơ sở SXKD nâng cao nhận thức, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh SXKD, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, xây dựng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Cùng đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục rà soát, xem xét các cơ chế, chương trình khuyến khích, hỗ trợ DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa, các chủ thể OCOP của tỉnh tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, linh hoạt các hoạt động kết nối hàng hóa các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, kích cầu tiêu dùng hàng trong nước phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19; trong đó, đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại trên nền tảng số.
Thông Nguyễn